Để bảo đảm sản xuất các tháng mùa khô, cần tăng cường giám sát mặn trên các tuyến sông (Ảnh: Bùi Tùng)
Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1,0 g/l vượt qua cống Xóm Bồ, huyện Cần Đước (1,1 g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 40 km (so cùng kỳ năm 2023-2024 theo ngày Âm lịch, độ mặn 1,0 g/l vượt qua cống Rạch Chanh, huyện Bến Lức (1,1 g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 55km; so cùng kỳ năm 2020 theo ngày Âm lịch, độ mặn 1,0 g/l vượt qua cầu Bến Lức (1,8 g/l), huyện Bến Lức, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 58km).
Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0 g/l chưa xuất hiện trên sông Vàm Cỏ Tây (so cùng kỳ năm 2023-2024 theo ngày Âm lịch, độ mặn 1,0 g/l gần đến cống Chợ Giữa, huyện Châu Thành (0,7 g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 50km; so cùng kỳ năm 2020 theo ngày Âm lịch, độ mặn 1,0 g/l gần đến cống Chợ Giữa, huyện Châu Thành (0,6 g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 50km).
Theo bản tin dự báo nguồn nước Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ chỉ đạo và điều hành cấp nước mùa kiệt năm 2025 (Tuần từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/01/2025), vùng thượng ĐBSCL: Thượng nguồn Long An nguồn nước bảo đảm; vùng giữa ĐBSCL: Tháng 01/2025, ranh mặn 4 g/l ảnh hưởng sâu nhất trên các cửa sông khoảng 45-55km; vùng ven biển ĐBSCL: Dự báo mặn lên cao và kéo dài ở nửa đầu tháng 01/2025 và những ngày cuối tháng 01/2025, ranh mặn 4 g/l có thể vào sâu 45-55 km.
Vì vậy, các địa phương cần tranh thủ tích nước ngay khi có thể từ ngày 20 đến 27/01/2025. Để bảo đảm sản xuất các tháng mùa khô, cần tăng cường giám sát mặn và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên.
Dự báo nguồn nước về ĐBSCL mùa khô 2024-2025 thuộc nhóm năm có tần suất xuất hiện vào khoảng 60-75%, xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình. Do đó, cần chủ động xuống giống sớm để né thời kỳ mặn cao nhất ở giai đoạn cuối tháng 02 đến tháng 4/2025 (với ranh mặn 4 g/l từ 45-60km từ cửa sông). Tích trữ nước hợp lý sẽ bảo đảm nguồn nước cho sản xuất theo kế hoạch hàng năm của các địa phương. Tích nước bất thường có thể làm mặn xâm nhập sâu từ 50-65km./.
K.N