Vị trí giao cắt giữa QL10 với đường sắt Bắc - Nam qua xã Đại Lộc (huyện Hậu Lộc) có đông người qua lại, hướng ra QL1A. Ảnh: Đình Minh.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 103km. Tuyến đường bắt đầu từ Km137+300 thuộc địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, điểm cuối là Km 238+500 thuộc địa bàn xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Trên toàn tuyến có136 điểm giao cắt, trong đó, có 69 đường ngang hợp pháp và 67 lối đi tự mở, trải dài qua 44 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố. Tại một số địa phương, do mật độ tham gia giao thông đông nhưng thiếu đường gom nên người dân tự ý mở các lối đi ở các khúc cua đường ray, dẫn đến nhiều rủi ro mất an toàn giao thông (ATGT).
Là địa phương còn tồn tại lối đi tự mở qua đường sắt nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, hiện, thị xã Nghi Sơn có trên 20 lối đi tự phát trên dọc 30km đường sắt qua địa bàn. UBND thị xã Nghi Sơn phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt triển khai các giải pháp xóa bỏ lối đi dân sinh. Tuy nhiên, bước đầu mới chỉ thu hẹp được các lối đi có nguy cơ cao, chưa thể xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở.
Ông Hoàng Khắc Luyện - trú thôn Khe Sanh, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn cho biết: Tại vị trí Km 227+415, nơi giao nhau giữa đường sắt và đường dân sinh, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua.
Theo ông Luyện, nguyên nhân là bởi, vị trí này bị che khuất tầm nhìn, lại nằm song song QL1A, nơi có đông phương tiện qua lại. “Tại vị trí giao nhau này, mặt đường bị lõm, xe qua lại rất dễ bị ngã, đổ hoặc chết máy, chỉ trong tích tắc có thể gặp tai nạn khi tàu hỏa tới. Với người dân bản địa như chúng tôi, thường quen đường nên rất cảnh giác. Còn người từ nơi khác đến, nếu chủ quan, lơ là, rất dễ xảy ra tai nạn khi đi qua đây” - ông Luyện cho hay.
Tại TP Thanh Hóa, hiện có 17 điểm giao cắt (10 đường ngang có gác chắn, 2 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động và 5 lối đi tự mở) trên 12,5km đường sắt đi qua 6 phường. Thực hiện kế hoạch số 631 của Công an TP Thanh Hóa về kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm hành lang, lối đi tự mở trên địa bàn, từ ngày 15/9 - 14/10, Công an đã kiểm tra, xử lý 34 trường hợp vi phạm tại đường ngang, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không tổ chức mở lối đi tự phát...
Ông Vũ Hoàng Linh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến hết quý III/2024, có 8 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 6 người, bị thương 1 người. So với cùng kỳ 2023, tăng 3 vụ, tăng 2 người chết. “Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo, nhưng ý thức chấp hành giao thông khi đi qua đường sắt của một bộ phận người dân vẫn còn rất kém. Cụ thể, nhiều người vẫn còn chủ quan, không chú ý đến các biển báo cảnh giới, đèn tín hiệu, rào chắn, vẫn có tình trạng vượt qua các vị trí giao cắt khi cán bộ đường sắt đang khép rào chắn” - ông Linh nói.
Theo ông Linh, thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ cùng các địa phương trong cả nước xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.
Là đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, thông tin từ Công ty CP đường sắt Thanh Hóa cho thấy: Để xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn, những năm qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường sắt, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây sự cố, tai nạn trên đường sắt.
Từ đầu năm đến nay, Công ty CP đường sắt Thanh Hóa đã phối hợp cùng Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thanh, Đội Thanh tra an toàn đường sắt số 4 - Cục đường sắt Việt Nam và các cấp chính quyền trong tỉnh Thanh Hóa tổ chức rào đóng, xóa bỏ 11 lối đi tự mở, đồng thời không để phát sinh thêm lối đi tự mở, góp phần đảm bảo giữ vững hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn.
Đình Minh