Tiêm kích J-10C có thêm hợp đồng lớn sau chiến tích bắn hạ Rafale và Su-30MKI?

Tiêm kích J-10C có thêm hợp đồng lớn sau chiến tích bắn hạ Rafale và Su-30MKI?
7 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc đã đề nghị cung cấp 2 phi đội tiêm kích J-10C cho Không quân Colombia, khi lực lượng này có nhu cầu thay thế toàn bộ những chiếc Kfir do Israel sản xuất, tờ Infodefensa cho biết dựa theo nguồn tin riêng của họ.
Theo thông báo, lời đề nghị trên được đưa ra bên lề chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Gustavo Petro, đây là một phần trong các cuộc đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã đề nghị cung cấp tới 24 tiêm kích đa năng hạng nhẹ J-10CE, hoặc số lượng cụ thể theo nhu cầu của quốc gia Nam Mỹ, với mức giá 40 triệu USD mỗi chiếc. Thỏa thuận tiềm năng cũng bao gồm việc cung cấp tên lửa không đối không tầm xa như PL-15E.
Cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hai nước và những cuộc đàm phán diễn ra ngay sau khi tiêm kích J-10CR trong biên chế Không quân Pakistan đã bắn hạ 2 tiêm kích hàng đầu của Ấn Độ bao gồm 1 chiếc Dassault Rafale và 1 chiếc Su-30MKI.
Bằng chứng đã được thu thập khá rõ ràng, thông qua mảnh vỡ tên lửa PL-15E mà chiếc J-10CE phóng đi, cũng như những phần còn lại của tiêm kích Rafale và ghế phóng phi công K-36D - loại lắp trên Su-30MKI được tìm thấy.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc có một ưu thế quan trọng khác khi so sánh với các đối thủ phương Tây nằm ở điều khoản thanh toán linh hoạt và thời gian giao hàng rất ngắn nhờ năng lực sản xuất cực kỳ ấn tượng của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô.
Tốc độ giao hàng có lẽ là thông số quan trọng nhất đối với Colombia, nhất là khi không quân nước này hiện chỉ có thể vận hành một lượng nhỏ trong toàn bộ phi đội gồm 22 tiêm kích Kfir mua từ Israel, bởi thời hạn sử dụng của chúng đã kết thúc từ năm 2023.
Sau khi đề xuất được trình bày, các nguồn tin thân cận xác nhận với tờ Infodefensa rằng Tổng thống Gustavo Petro đã thảo luận với Tư lệnh Không quân Colombia, liên quan tới suy nghĩ của ông về khả năng của tiêm kích J-10CE cũng như tính khả thi của việc mua sắm.
Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố tiêm kích J-10CE đã có thành tích chiến đấu, khác biệt hoàn toàn với những loại chiến đấu cơ mà Colombia đã chọn, và quan trọng nhất là họ đảm bảo sẽ không có gián đoạn nào trong tương lai liên quan đến cung cấp phụ tùng thay thế.
Trước đó Tổng thống Gustavo Petro đã thông báo trên mạng xã hội của mình về việc ký kết một thỏa thuận với chính phủ Thụy Điển nhằm hướng tới mua tiêm kích JAS-39 Gripen. Hiện chưa rõ thỏa thuận trên đã được triển khai hay chưa và ưu thế đang thuộc về loại nào?
Điều đáng chú ý tiếp theo là nếu đề xuất của Trung Quốc được chấp thuận, đây sẽ là một bước đi nghiêm túc của chính phủ Colombia nhằm hướng tới mục tiêu tạo khoảng cách địa chính trị với Mỹ và các quốc gia phương Tây.
Nhưng có một thông số cần nhấn mạnh, mức giá 40 triệu USD mà phía Trung Quốc chào hàng là chỉ bao gồm duy nhất chiến đấu cơ, nếu mua sắm vũ khí, gói đảm bảo kỹ thuật và huấn luyện đi kèm, chi phí ước tính sẽ đội lên tới 100 triệu USD cho mỗi chiếc.
Đây là điều Không quân Colombia sẽ phải cân nhắc thật thận trọng, bởi quốc gia Nam Mỹ này không có nguồn ngân sách quốc phòng dồi dào để bỏ ra 2,4 tỷ USD cho 24 tiêm kích J-10CE.
Với mức giá trên, một lựa chọn có vẻ hấp dẫn hơn đối với Colombia sẽ là mua thẳng tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35 Lightning II, nếu quan hệ với Mỹ được đánh giá ở mức "ổn định".
Việt Dũng
Theo Infodefensa
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/tiem-kich-j-10c-co-them-hop-dong-lon-sau-chien-tich-ban-ha-rafale-va-su-30mki-post612178.antd