Các mảnh vỡ của tiêm kích Rafale số hiệu BS-001 đã được tìm thấy gần thành phố Bathinda thuộc bang Punjab, miền Nam Ấn Độ, cách biên giới với Pakistan 83 km, đây là bằng chứng rõ ràng nhất về tổn thất lớn của New Delhi.
Bên cạnh đó, những phần còn lại của tên lửa không đối không tầm xa PL-15E do Trung Quốc sản xuất cũng được tìm thấy, khẳng định thêm thông tin Không quân Pakistan đã sử dụng vũ khí Bắc Kinh cung cấp nhằm chống lại tiêm kích Ấn Độ.
Theo những gì được cung cấp cho tới thời điểm này, chiến đấu cơ của Không quân Pakistan lập thành tích bắn hạ chiếc Rafale tối tân chính là J-10CE, điều này không gây bất ngờ bởi máy bay do Trung Quốc chế tạo vẫn được đánh giá rất cao về tính năng kỹ chiến thuật.
Tiêm kích J-10C hoàn thành các bài thử nghiệm và được chấp nhận đưa vào biên chế trong Không quân Trung Quốc (PLAAF) trong năm 2021, nó đã được sản xuất khẩn trương và con số hiện đã ở mức khoảng 500 chiếc.
Phiên bản xuất khẩu của J-10C được định danh J-10CE và Pakistan chính là khách hàng đầu tiên, so với máy bay của Trung Quốc thì biến thể dành cho Pakistan được nhận xét không có quá nhiều khác biệt.
So với các biến thể đời cũ như J-10A, chiến đấu cơ hạng nhẹ tiên tiến J-10C có một số thay đổi đáng kể và khá dễ nhận biết ở khung thân, mà cụ thể là ở phần đầu cũng như phần cánh đuôi.
J-10C/CE đã tích hợp radar mảng pha quét chủ động (AESA) thế hệ mới nhất, động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều và cả thiết bị cảnh báo bị radar chiếu xạ ở bán cầu sau, mang lại tầm bao quát đủ 360 độ.
Truyền thông Trung Quốc tự tin khẳng định rằng J-10C đã vượt xa mọi tiêm kích hạng nhẹ cùng phân khúc do các cường quốc quân sự khác chế tạo, thậm chí tiệm cận tính năng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
J-10C đã ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất về vật liệu chế tạo nên diện tích phản xạ radar (RCS) bán cầu trước của nó chỉ còn 1 m2, tức là vượt xa con số cả chục m2 của các dòng J-11/15/16.
Bên cạnh đó, kết hợp hệ thống điện tử tối tân và khả năng siêu cơ động của động cơ kiểm soát lực đẩy vector 3 chiều (3D TVC) khiến chiếc tiêm kích này cực mạnh trong không chiến quần vòng cự ly gần.
Tiêm kích hạng nhẹ tối tân nhất của Không quân Trung Quốc và Pakistan mang được tên lửa không đối không PL-15 với tầm bắn lên tới trên 200 km, kết hợp với radar hiện đại khiến nó có khả năng "thấy trước - bắn trước".
Thành tích của chiếc J-10CE trước Rafale là lời khẳng định chất lượng vũ khí do Trung Quốc chế tạo, tiếp nối chiến công vào năm 2019 khi tiêm kích JF-17A bắn hạ MiG-21 Bison của Ấn Độ trong trận không chiến.
Còn đối với Rafale, những gì vừa xảy ra đã xóa bỏ danh tiếng tiêm kích bất khả chiến bại do Pháp sản xuất, cho thấy những gì máy bay đạt được trước kia chỉ là do đối đầu những lực lượng vũ trang nhỏ, thiếu phòng không và không quân đủ mạnh.
Thất bại trong cuộc tấn công vừa qua với thiệt hại cả ở những chiến đấu cơ tiên tiến và đắt tiền nhất sẽ buộc Không quân Ấn Độ phải cân nhắc lại chiến thuật sử dụng cũng như đường lối mua sắm vũ khí của mình.
Bạch Dương
Theo Defense Express