Tiêm kích Su-35 bắt đầu sử dụng tên lửa không chiến K-77M thế hệ mới

Tiêm kích Su-35 bắt đầu sử dụng tên lửa không chiến K-77M thế hệ mới
13 giờ trướcBài gốc
Bức ảnh về tiêm kích Su-35 của Nga được trang bị những tên lửa không đối không tầm xa K-77M (Izdeliye-180) đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và thu hút sự quan tâm rất lớn.
Ngoài ra kênh Telegram nổi tiếng có tên "Đại tá Tổng tham mưu" của Ukraine còn công bố những bức ảnh về các mảnh vỡ đặc trưng của tên lửa K-77M, cho thấy Không quân Nga đã bắt đầu sử dụng loại đạn tầm xa này.
Tuy nhiên xét theo ảnh máy bay chiến đấu được đăng tải, trong số 4 tên lửa không đối không thuộc nhiều chủng loại được lắp đặt trên tiêm kích Su-35 của Nga, chỉ có 1 quả đạn có thể được xác định là K-77M.
Hai tên lửa còn lại là R-77 hoặc R-77-1, trong khi tên lửa thứ tư không thể xác định được do đuôi của nó bị che khuất bởi càng đáp. Điều này có thể cho thấy sản lượng tên lửa K-77M hiện tại không đáng kể.
Báo chí hiện biết rất ít về K-77M (hay Sản phẩm 180). Được biết tên lửa này được phát triển bởi Cục Thiết kế chế tạo máy nhà nước I.I. Toropov "Vympel" - thành viên của Tổng công ty Vũ khí Tên lửa Chiến thuật, đây là phiên bản hiện đại hóa của tên lửa tầm trung R-77-1.
Mặc dù vậy khác với phiên bản cũ, tên lửa K-77M không được trang bị cánh lái khí động học dạng lưới mà là loại cổ điển. Các bộ ổn định cũng được cải tiến, điều này có thể cho phép đặt vũ khí vào khoang bên trong của máy bay chiến đấu Su-57.
Ngoài ra, tên lửa mới được trang bị động cơ nhiên liệu rắn chế độ kép, giúp tăng tầm bắn tối đa danh nghĩa từ 110 km đối với loại R-77-1 lên tới con số 190 km ở phiên bản K-77M.
Bên cạnh đó xét theo bức ảnh được công bố, tên lửa mới dài hơn R-77-1, cho thấy động cơ nhiên liệu rắn lớn hơn, mang lại tầm bắn xa hơn. Nếu số liệu từ kênh Telegram "Vodogray" của Ukraine là đúng, thì K-77M dài hơn R-77-1 khoảng 29 cm (4.000 mm so với 3.710 mm).
Chưa dừng lại đây, có thông tin cho rằng tên lửa không chiến thế hệ mới của Nga được trang bị đầu tự dẫn radar chủ động, sử dụng công nghệ AFAR.
Điều này sẽ giúp tăng tầm phát hiện, cũng như mở rộng khả năng chọn lọc cũng như đối kháng điện tử so với các đầu tự dẫn thế hệ trước. Đồng thời một số nguồn tin khác cho rằng tên lửa K-77M vẫn giữ nguyên đầu tự dẫn radar xung đơn cổ điển.
Được biết, việc phát triển tên lửa Izdeliye 180 bắt đầu không muộn hơn năm 2012. Đến năm 2019, tên lửa này lần đầu tiên được giới thiệu tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army 2019.
Tới tháng 10/2020, một tên lửa mới đã được phát hiện trên giá treo ngoài của một trong những nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 (T-50), có lẽ trong quá trình thử nghiệm bay.
Vào tháng 6/022, truyền thông Nga đưa tin rằng "tên lửa đã vượt qua thành công mọi cuộc thử nghiệm toàn diện và sẽ sớm được biên chế cho Không quân Liên bang Nga".
Trong tháng 5/2025, tình báo Mỹ đã cảnh báo về khả năng Nga sắp đưa vào sử dụng một loại tên lửa dẫn đường mới có đầu đạn hạt nhân chiến thuật để đảm bảo đánh chặn mục tiêu trên không ở tầm xa, có thể K-77M cũng được hoán cải cho mục đích này.
Việt Dũng
Theo Militarnyi
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/tiem-kich-su-35-bat-dau-su-dung-ten-lua-khong-chien-k-77m-the-he-moi-post618770.antd