Tiềm lực chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây

Tiềm lực chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây
một ngày trướcBài gốc
Được giao thêm hơn 69.000 m2 đất
Theo Quyết định số 3683/QĐ-UBND ngày 7/7 của UBND TP Hà Nội, Công ty TNHH Phát triển THT (THT) được giao thêm 69.361,2 m2 đất tại phường Xuân Đỉnh (Hà Nội) để làm dự án trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây giai đoạn 2.
Chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây được giao thêm hơn 69.000 m2 đất. Ảnh: Starlake
Trong đó, 14.657 m2 tại ô đất ký hiệu K2-HH1 sẽ dùng để xây dựng khu hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp.
27.769 m2 tại ô đất ký hiệu K2-CT1 dùng xây dựng khu nhà ở cao tầng, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.
4.521 m2 đất tại ô đất ký hiệu C2-TH1 sẽ được dùng để xây dựng trường tiểu học; 3.475 m2 đất tại ô đất ký hiệu C2-NT1 để xây dựng trường mẫu giáo.
600 m2 tại ô đất ký hiệu K2-HT1 là đất dự trữ hạ tầng kỹ thuật; 5.775 m2 đất tại ô đất ký hiệu K2-CX1 là đất cây xanh, đường dạo đơn vị ở; 12.564 m2 đất để xây dựng đường đô thị, khu vực theo quy hoạch.
Phần đất giao tại phường Xuân Đỉnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo xác nhận của UBND quận Tây Hồ (trước đây) cho THT.
Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất được xác định tại bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất QH-04B tỷ lệ 1/500 do Trung tâm nghiên cứu kiến trúc - đô thị lập tháng 12/2013, được Sở Quy hoạch Kiến trúc xác nhận ngày 31/12/2013.
UBND TP Hà Nội yêu cầu THT liên hệ với UBND phường Xuân Đỉnh để lập, thẩm định phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với diện tích 74.554,9 m2 đất còn lại của dự án giai đoạn 2.
Sau khi xây dựng xong công trình, công ty TNHH Phát triển THT có trách nhiệm duy trì, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Dự án có giá đất cao nhất Hà Nội?
Dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây có tên thương mại là Starlake Tây Hồ Tây, được khởi công từ năm 2014. Quy mô vốn hơn 1,3 tỷ USD; trong đó, vốn góp thực hiện dự án là hơn 4.500 tỷ đồng và vốn huy động là gần 26.000 tỷ đồng.
Dự án hoạt động trong thời hạn 56 năm, kể từ năm 2006. Sau khi kết thúc, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được chuyển giao không bồi hoàn cho UBND TP Hà Nội.
Theo bảng giá đất điều chỉnh cuối năm 2024, Tây Hồ Tây là khu đô thị có giá đất cao nhất Hà Nội, ở mức hơn 113 triệu đồng/m2; tăng 225% so với bảng giá đất ban hành năm 2019 (34,8 triệu đồng/m2).
Sau khi được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án, THT đã tiến hành chuyển nhượng gần 20 dự án thành phần Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây cho nhà đầu tư thứ cấp.
Cụ thể, THT đã chuyển nhượng phần dự án đầu tư tại ô đất ký hiệu B1-CC4 thuộc dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây - Giai đoạn 1 phường Cổ Nhuế 1 và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (cũ) cho Công ty TNHH Viesta (Viesta) theo Hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án bất động sản số 10/2023/THT-VIESTA/PTC-B1CC4 ngày 27/12/2023 và chấp thuận của UBND TP Hà Nội tại Quyết định số 6480/QĐ-UBND ngày 20/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư chứng nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 9842625745, chứng nhận lần đầu ngày 25/12/2023, chứng nhận điều chỉnh lần thứ 1 ngày 23/10/2024.
Tháng 1/2025, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định cho Viesta thuê diện tích đất thu hồi từ THT để tiếp tục thực hiện Dự án B1-CC4 theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Cuối năm 2024, Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom cũng đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng một phần Dự án Khu Trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây - Giai đoạn 1 từ THT.
Một phần dự án Elcom nhận chuyển nhượng có địa điểm tại Lô H1-CC1, Dự án Khu Trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây - Giai đoạn 1. Tổng diện tích đất của dự án 7.561 m2, mật độ xây dựng khoảng 40%. Trong đó, diện tích xây dựng khoảng 3.024 m2, số tầng nổi là 3 – 17 tầng, số tầng hầm là 02 tầng, hệ số sử dụng đất khoảng 4,80 lần.
Tổ hợp chung cư giai đoạn 1 tại Starlake (H9). Ảnh: Starlake.
Xa hơn nữa, lô A1-TT1 đã được THT ký kết chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Phát triển Tài sản Việt Nam (VAD) hồi tháng 6/2017.
Ba lô H3-TH1, H3-TH2 và H3-NT1 hiện nay là nơi tọa lạc hệ thống trường phổ thông liên cấp The Dewey School Tây Hồ Tây thuộc Tập đoàn giáo dục Edufit.
Lô B1-CC3 "về tay" Tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc) năm 2019. Tại lô đất này, Samsung đã xây dựng mới trung tâm phát triển và nghiên cứu (R&D) trên diện tích 11.600m2. Dự án có quy mô 19 tầng, trong đó có 3 tầng hầm và 16 tầng nổi, có sức chứa khoảng 3.000 người.
Lô B2-CC3 được THT chuyển nhượng cho Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC hồi tháng 6/2023. Chủ đầu tư có kế hoạch thực hiện dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC (CMC Creative Space Hanoi) với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.789 tỷ đồng.
Tiềm lực chủ đầu tư thế nào?
Về chủ đầu tư dự án Starlake Tây Hồ Tây, THT được thành lập tháng 7/2011, là doanh nghiệp vốn ngoại, hình thành trên cơ sở cổ phần của 5 doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc, gồm: Daewoo Engineering & Construction Co., Ltd, Daewon Co., Ltd, Dong IL Highvill Co., Ltd, (4) Keangnam Enterprises., Ltd và Kolon Engineering & Construction Co., Ltd.
Sau đó, bốn cổ đông chuyển nhượng vốn cho Daewoo Engineering & Construction Co., Ltd (Tập đoàn Daewoo E&C), qua đó, Daewoo E&C nắm giữ 100% vốn tại THT.
Tại thời điểm tháng 11/2021, vốn điều lệ doanh nghiệp ở mức 4.565,6 tỷ đồng. Từ tháng 2/2022 đến nay, ông An Kuk Jin (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Tháng 3/2025, Cục Thuế TP Hà Nội (nay là Chi cục thuế Khu vực I) vừa qua đã ban hành Văn bản số 8665/KL-CTHN-TTKT7 kết luận thanh tra thuế tại THT.
Theo cơ quan thanh tra, về cơ bản THT đã chấp hành đầy đủ các quy định về việc kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số nội dung liên quan đến thuế.
Cụ thể, về thuế giá trị gia tăng (GTGT), THT sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký trước thời điểm Cơ quan thuế thông báo không đúng quy định tại Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013 và Điểm 10, Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), THT hạch toán chi phí hóa đơn của doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký trước thời điểm. Cơ quan thuế thông báo, hạch toán chi phí dở dang không đúng quy định tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 và Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Về kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân đã có thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, qua rà soát hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ theo dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế TMS ngày 20/2, đoàn thanh tra xác định niên độ năm 2023, THT đã sử dụng 28 số hóa đơn của 8 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trước thời điểm Cơ quan thuế thông báo, tổng giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào 743,2 triệu đồng, thuế GTGT 72,7 triệu đồng. Đoàn thanh tra điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, chi phí hạch toán trong kỳ và tính phạt theo quy định đối với 28 số hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp nêu trên.
Tổng số tiền thuế TNDN và GTGT mà THT bị truy thu sau thanh tra là hơn 3,44 tỷ đồng. Giảm thuế GTGT được khấu trừ chuyển kỳ sau là 71 triệu đồng.
Ngoài ra, THT bị xử phạt hành chính 760,4 triệu đồng do hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn hoàn.
Cơ quan thuế cũng yêu cầu THT phải nộp tiền chậm nộp tính đến ngày 26/2 là 343 triệu đồng. THT tự tính và nộp tiền chậm nộp kể từ ngày 27/2 tới ngày nộp đủ số tiền thuế chậm nộp vào ngân sách Nhà nước.
Văn Thanh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tiem-luc-chu-dau-tu-du-an-khu-do-thi-tay-ho-tay-10311124.html