Tiềm lực để Đại học Harvard theo đuổi cuộc chiến pháp lý với chính quyền Tổng thống Trump

Tiềm lực để Đại học Harvard theo đuổi cuộc chiến pháp lý với chính quyền Tổng thống Trump
một ngày trướcBài gốc
Sinh viên trong khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 15/4. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trước đó, ngày 22/5, Bộ trưởng An ninh Nội địa (DHS) Kristi Noem đã ra lệnh dừng Chương trình Sinh viên và trao đổi khách mời (SEVP) của Đại học Harvard – vốn là cơ sở pháp lý cho phép các trường đại học tuyển sinh viên nước ngoài.
Trong đơn khiếu nại đệ trình lên tòa án liên bang Boston ngày 22/5, Đại học Harvard cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Trump vi phạm Hiến pháp Mỹ và các luật liên bang khác, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà trường và khoảng 7.000 sinh viên quốc tế theo học với thị thực du học. Đại học Harvard cũng bày tỏ lo ngại rằng quyết định của ông Trump có thể "xóa sổ" 1/4 số sinh viên quốc tế, những người đóng góp đáng kể cho ngôi trường 389 năm tuổi này.
Nỗ lực của ông Trump nhằm can thiệp vào tính độc lập của Đại học Harvard có lẽ là cú sốc lớn nhất mà ngôi trường này phải đối mặt kể từ khi Harvard College thành lập năm 1636.
Nguồn tài trợ liên bang trong nửa sau thế kỷ XX đã góp phần giúp Harvard và nhiều trường tư thục khác vươn lên thành các cơ sở nghiên cứu lớn. Tuy nhiên, các trường đại học hàng đầu này cũng đã nỗ lực hết mình để tích lũy những quỹ tài sản khổng lồ từ các khoản tài trợ. Trong vài thập niên gần đây, sự giàu có và việc được miễn thuế của họ vấp phải chỉ trích. Nhiều người cáo buộc họ đặt lợi ích quỹ ủng hộ lên hàng đầu, ưu tiên thí sinh theo diện để tri ân nhà tài trợ, và không làm đủ trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương.
Là một tổ chức phi lợi nhuận miễn thuế, Đại học Harvard không có bất kỳ cổ đông nào. Nhưng trường vẫn công bố báo cáo thường niên về tình hình tài chính. Báo cáo mới nhất về năm tài chính 2024, cho thấy Harvard đạt lợi nhuận còn lại sau khi trừ tất cả các chi phí hoạt động là 45 triệu USD trên cơ sở doanh thu 6,5 tỷ USD.
Khoản tiền đó được sử dụng để tài trợ cho Harvard College, 12 trường sau đại học và Viện nghiên cứu nâng cao Radcliffe. Tổng cộng, Harvard có gần 25.000 sinh viên và khoảng 20.000 nhân sự.
Năm 2024, khoảng 685 triệu USD tiền tài trợ của Harvard (11%) bắt nguồn từ chính phủ liên bang dưới dạng tài trợ nghiên cứu và các khoản chuyển nhượng khác. Theo The New Yorker (Mỹ), rõ ràng đó là một khoản tiền lớn. Nhưng có khoảng 2,4 tỷ USD đến từ các khoản phân bổ thuộc chính quỹ tài trợ khổng lồ của Harvard, với giá trị lên tới 53,2 tỷ USD vào cuối năm, lớn nhất trong số các trường học trên toàn nước Mỹ.
Báo cáo thường niên của Harvard trình bày: "Các nguồn tài chính của chúng tôi, được xây dựng trong nhiều năm thông qua kế hoạch có kỷ luật và quản lý lành mạnh, cho phép các trường và đơn vị của Harvard chịu được những cú sốc. Chúng cũng là nguồn lực để đầu tư vào các chương trình và phương pháp sư phạm mới, bồi đắp môi trường học thuật chất lượng vốn là dấu ấn và mục tiêu của Harvard".
Giờ đây, khi chính quyền của Tổng thống Trump đã “đóng băng” khoản tài trợ liên bang dành cho Harvard, quỹ tài trợ của trường bắt đầu có mục đích mới là giúp tự duy trì hoạt động trong suốt cuộc chiến pháp lý kéo dài sắp tới và đó chính là lúc quỹ 53,2 tỷ USD được huy động.
Ngoài ra, Harvard còn nắm giữ khoảng 2 tỷ USD dưới dạng các khoản đầu tư có tính thanh khoản cao như trái phiếu Kho bạc, nằm ngoài quỹ tài trợ của trường. Bên cạnh đó, trường cũng có khả năng huy động nguồn vốn lớn từ thị trường tín dụng nhờ xếp hạng tín dụng cao. Ngay trước khi có động thái thách thức chính quyền Tổng thống Trump, Harvard đã thông báo kế hoạch phát hành 750 triệu USD trái phiếu – con số còn vượt cả tổng khoản tài trợ mà trường nhận được từ chính phủ liên bang trong năm ngoái.
Nói cách khác, The New Yorker cho rằng Harvard có thể đủ tiềm năng tài chính để theo đuổi cuộc chiến pháp lý với chính quyền Tổng thống Trump, ít nhất là hiện tại. Nếu việc ngừng tài trợ liên bang kéo dài vô thời hạn, đó sẽ là một vấn đề khác. Do đó, Tổng thống Trump đã tăng đe dọa nhắm trực tiếp vào quỹ ủng hộ của Harvard bằng cách gợi ý trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng ngôi trường này nên mất tư cách miễn thuế. Theo CNN và Washington Post, các quan chức Bộ Tài chính đã yêu cầu Sở Thuế vụ liên bang hành động theo hướng đề xuất này.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tiem-luc-de-dai-hoc-harvard-theo-duoi-cuoc-chien-phap-ly-voi-chinh-quyen-tong-thong-trump-20250528190542627.htm