Tạo điều kiện cho nhà đầu tư UAE
Ngày 29/10 tại Abu Dhabi, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Sheikh Hamed Bin Zayed Al Nahyan, Giám đốc Quỹ Đầu tư Quốc gia Abu Dhabi (ADIA).
Tại cuộc gặp, ông Sheikh Hamed giới thiệu về ADIA, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với khối tài sản quản lý khoảng 830 tỷ USD, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ đầu tư với Việt Nam, nhấn mạnh cam kết đầu tư dài hạn vào thị trường này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sheikh Hamed Bin Zayed Al Nahyan, Giám đốc Quỹ Đầu tư quốc gia Abu Dhabi (ADIA). Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chuyến thăm này, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Thủ tướng nhận định với vị trí địa lý thuận lợi và vai trò chiến lược tại khu vực ASEAN và Vùng Vịnh (GCC), Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt từ UAE.
Một trong những khoản đầu tư nổi bật của ADIA tại Việt Nam là thương vụ với Công ty Cổ phần The CrownX (TCX) của Masan Group. ADIA, thông qua công ty con Platinum Orchid, đã hợp tác cùng TPG (Hoa Kỳ) và SeaTown Holdings International (Singapore) để mua lại khoảng 19% cổ phần của TCX, qua đó tiếp cận mảng tiêu dùng và bán lẻ sôi động của Việt Nam. TCX là nền tảng bán lẻ và tiêu dùng hợp nhất, bao gồm hệ thống WinCommerce (chuỗi WinMart) và Masan Consumer Holdings (sản xuất tiêu dùng).
Thủ tướng đánh giá cao vai trò của ADIA trong phát triển kinh tế UAE, đồng thời khuyến khích quỹ xem xét các dự án trọng điểm của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các dự án này bao gồm hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Thủ tướng đặc biệt nhắc đến dự án sân bay Long Thành với tiềm năng trở thành trung chuyển quốc tế, cùng với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá khoảng 67 tỷ USD. Việt Nam cũng đang phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mở ra các cơ hội đầu tư mới.
Thủ tướng cũng đề xuất ADIA hợp tác với Việt Nam trong xây dựng các quỹ phát triển hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, và chuyển đổi xanh. Ông gợi ý về việc hợp tác tại các trung tâm tài chính ở TP. HCM và Đà Nẵng, khu thương mại tự do, và trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu. Thủ tướng còn khuyến khích ADIA liên kết với các Tổng công ty Lương thực của Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực cho UAE.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thủ tướng tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đồng thời tạo môi trường đầu tư ổn định và bền vững. Giám đốc ADIA bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các lĩnh vực Thủ tướng đề xuất và cho biết sẽ sớm cử đoàn công tác tới Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư.
Để hỗ trợ ADIA, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối, phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam và các tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và SCIC, thúc đẩy trao đổi về các dự án tiềm năng nhằm triển khai hợp tác trong thời gian tới.
Tiềm lực quỹ đầu tư 830 tỷ đô của UAE
Quỹ Đầu tư Quốc gia Abu Dhabi (Abu Dhabi Investment Authority - ADIA), được thành lập năm 1976 bởi chính phủ Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), là một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.
Với tổng tài sản quản lý ước tính khoảng 830 tỷ USD ( có thời điểm lên tới 900 tỷ USD), ADIA được xem là một nhân tố quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở lĩnh vực đầu tư quốc gia. Sứ mệnh của quỹ là bảo toàn và gia tăng tài sản quốc gia của UAE, nhằm đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài và phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại cũng như tương lai.
ADIA đang quản lý tài sản khoảng 830 tỷ USD, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới. Ảnh: ADIA.
ADIA hoạt động dưới sự giám sát của một ban điều hành do chính quyền Abu Dhabi bổ nhiệm, bao gồm các chuyên gia tài chính và kinh tế hàng đầu. Đội ngũ quản lý đa quốc gia tại ADIA có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực tài chính và đầu tư, với các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tạo ra một môi trường làm việc đa văn hóa và hiệu quả. Hơn 50 bộ phận đầu tư của ADIA được tổ chức theo từng mảng tài sản và khu vực địa lý cụ thể, nhằm đảm bảo chiến lược đầu tư hiệu quả và tối ưu hóa lợi nhuận.
Với tổng tài sản quản lý khổng lồ, ADIA áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn và đa dạng hóa mạnh mẽ. Quỹ không chỉ đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau mà còn mở rộng danh mục theo khu vực địa lý để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội tại các thị trường trên toàn cầu.
Được biết, ADIA đầu tư vào cả thị trường phát triển và thị trường mới nổi, với tỷ lệ ước tính như sau: Bắc Mỹ chiếm từ 45-60%, Châu Âu chiếm từ 15-30%, các thị trường phát triển tại Châu Á chiếm từ 5-10%, và thị trường mới nổi chiếm từ 10-20%.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư của ADIA cũng trải rộng từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, cơ sở hạ tầng, hàng hóa cho đến các tài sản thay thế như quỹ đầu tư phòng hộ (hedge funds) và quỹ đầu tư tư nhân (private equity).
Trong đó, cổ phiếu và trái phiếu chiếm khoảng 35-45% danh mục, với các khoản đầu tư vào cả cổ phiếu công khai và trái phiếu chính phủ, chủ yếu tập trung vào các thị trường có mức độ thanh khoản cao.
Bất động sản và hạ tầng là lĩnh vực đầu tư chiến lược của ADIA, chiếm khoảng 10-15% danh mục. Quỹ đã đầu tư vào các dự án bất động sản lớn tại các thành phố như New York, London, Paris, và Tokyo, đồng thời tham gia vào các dự án hạ tầng lớn trên toàn cầu như hệ thống đường cao tốc, sân bay, và các dự án năng lượng.
Ngoài ra, đầu tư thay thế cũng chiếm khoảng 5-10% danh mục và bao gồm các khoản đầu tư vào quỹ phòng hộ, công ty khởi nghiệp và các dự án công nghệ đổi mới.
Trong những năm gần đây, ADIA đã tăng cường đầu tư vào châu Á, đặc biệt là ở các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, fintech và công nghệ. Quỹ đã hợp tác với SC Capital Partners (Singapore) để tập trung đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lưu trữ và xử lý dữ liệu trong khu vực.
Ngoài ra, tại Ấn Độ, ADIA đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nổi bật, bao gồm MobiKwik, một nền tảng dịch vụ tài chính kỹ thuật số, và DealShare, công ty thương mại điện tử xã hội có trụ sở tại Jaipur. Các khoản đầu tư này không chỉ mang lại lợi nhuận tiềm năng mà còn giúp ADIA tiếp cận những ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng và có triển vọng tăng trưởng cao.
Đặc biệt, ADIA đang đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng quan trọng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, sân bay và năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, đặc biệt là tại các khu vực có nhu cầu sử dụng năng lượng cao và tiềm năng phát triển bền vững.
Thanh Thắng