Trong chương trình làm việc tại Quảng Nam ngày 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm nhà máy của Tập đoàn Thaco và Tập đoàn Hòa Phát. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã giao 2 tập đoàn lớn nhiệm vụ cụ thể liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trong đó, Thủ tướng đề nghị Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy. Còn với Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, Thủ tướng đề xuất tập đoàn đảm nhiệm sản xuất ray thép phục vụ các dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và đường sắt đô thị.
Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ diễn ra sau đó 2 ngày, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cùng khẳng định sẽ tham gia giải quyết các phần việc của dự án trọng điểm quốc gia này.
Tiềm lực Thaco có gì?
Hiện nay, cả Thaco và Hòa Phát đều là những tập đoàn công nghiệp nặng hàng đầu Việt Nam. Trong khi Thaco nổi tiếng với mảng ôtô, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ thì Hòa Phát được biết đến với danh hiệu “vua thép” nhờ thị phần lẫn công nghệ áp đảo tại thị trường Việt Nam.
Hoạt động cơ khi, công nghiệp hỗ trợ của Thaco hiện do Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ - Thaco Industries phụ trách.
Doanh nghiệp này đang vận hành tổ hợp 20 nhà máy sản xuất cơ khí và linh kiện phụ tùng, Trung tâm R&D và Trung tâm Thử nghiệm tại Chu Lai (Quảng Nam) với tổng diện tích 320 ha, tổng vốn đầu tư 850 triệu USD cùng gần 8.000 nhân sự. Các nhà máy chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu riêng biệt của khách hàng trong và ngoài nước.
Danh mục mặt hàng sản xuất của Thaco Industries rất đa dạng, từ sơ mi rơ moóc; sản phẩm cơ khí; cung cấp phôi thép và vật tư nguyên vật liệu; linh kiện công nghiệp và dân dụng; thiết bị nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng.
Thaco là "đầu tàu" ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.
Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, các sản phẩm của Thaco Industries hiện cũng xuất khẩu đến hơn 15 thị trường như Mỹ, Canada, Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia…
Ngoài ra, Thaco Industries còn tham gia sản xuất linh kiện OEM cho các hãng ôtô, xe máy trong và ngoài nước. Tổng công ty này hiện là đối tác chiến lược với các hãng xe Kia, Mazda, Peugeot, Toyota, Hyundai hay Isuzu.
Thực tế, mảng sản xuất lắp ráp và phân phối cũng là ngành nghề chính yếu và chủ lực của Thaco Group với thương hiệu Thaco Auto. Tổ hợp sản xuất lắp ráp ôtô đặt tại KCN Chu Lai bao gồm 7 nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… với hệ thống máy móc tự động, ứng dụng số hóa trong quản trị sản xuất.
Trong ngày 3/2 vừa qua, Thaco Industries cũng khai trương hàng loạt nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô với tổng mức đầu tư 75 triệu USD cùng Trung Tâm R&D có vốn đầu tư gần 40 triệu USD.
Năm 2024, tổng doanh thu của Thaco Industries đạt hơn 10.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 128 triệu USD. Năm nay, mảng kinh doanh này được giao mục tiêu doanh thu hơn 14.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 225 triệu USD.
Về tiềm lực tài chính, theo báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất, đến cuối tháng 6/2024, Thaco có vốn chủ sở hữu trên 54.260 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm liền trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 2,45 lần. Như vậy, tổng tài sản của tập đoàn vào khoảng 187.200 tỷ đồng, cao hơn Masan Group cùng thời điểm (khoảng 157.500 tỷ) và tương đương với Sovico Group (khoảng 187.400 tỷ đồng, cuối năm 2023) hay Hòa Phát (khoảng 206.600 tỷ đồng, cuối năm 2023).
"Vua thép" tự tin làm đường ray
Với Tập đoàn Hòa Phát, câu chuyện sản xuất thép làm ray đường sắt tốc độ cao đã được Chủ tịch Trần Đình Long đề cập công khai tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Theo đó, ông Long khẳng định kế hoạch của Hòa Phát là tăng cường sản xuất các mặt hàng yêu cầu hàm lượng công nghệ cao, khó, đòi hỏi đầu tư lớn. Trong đó, tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất thép đường ray chuyên dụng cho các loại tàu có vận tốc cao.
Tại hội nghị vừa qua, ông Long cũng khẳng định về kỹ thuật, Hòa Phát có đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray các dự án đường sắt tốc độ cao. Đồng thời cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị và nghiên cứu về việc phát triển thép dành cho đường ray đường sắt cao tốc trong 2-3 năm qua.
Trước đó, ông Trần Đình Long đã đi thăm nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài vào cuối năm 2024 để nghiên cứu chiến lược phát triển sản phẩm mới, bao gồm thép đường ray cao tốc để sẵn sàng cho “siêu dự án” 67 tỷ USD của Việt Nam.
Năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ vượt 14 triệu tấn/năm sau khi Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vận hành đúng công suất. Ảnh: Hòa Phát.
Theo bảng phân cấp chất lượng, thép làm ổ bi, lò xo van, lò xo hợp kim, thép làm tanh bố lốp ôtô… khó 10 thì làm thép đường ray tàu cao tốc chỉ ở mức 8. Thực tế, các sản phẩm hàm lượng chất lượng cao như thép làm tanh bố lốp đã được Hòa Phát sản xuất thành công từ cách đây 3 năm.
Việt Nam từng làm thanh ray của đường sắt với độ dài 20-25 m. Tuy nhiên, nếu làm đường ray tàu cao tốc 150-200 km/h, chiều dài thanh ray phải tối thiểu 50 m. Đối với đường sắt tốc độ cao lên tới 350 km/h, đường ray bắt buộc phải dài 100 m.
Hòa Phát thậm chí đã tính toán tới thanh ray có chiều dài đến 120 m nhằm giảm mối hàn trên đường ray cao tốc, cho phép hệ thống hoạt động ổn định ở tốc độ cao.
Hiện Hòa Phát đang là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, thuộc top 50 thế giới về sản xuất thép với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm.
Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn thép chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long
Sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 hoàn thành đầu năm nay, năng lực sản xuất thép thô của tập đoàn sẽ vượt 14 triệu tấn/năm, lọt top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Tại hội nghị ngày 10/2, vị lãnh đạo Hòa Phát cũng cho biết sẵn sàng đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất ray thép.
“Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu”, ông khẳng định.
Thực tế, Hòa Phát cũng đang khảo sát, đề xuất phương án đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm tại đây tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép...
Trong một văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải xin chủ trương kết nối tuyến đường sắt từ cảng Bãi Gốc và tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam dài khoảng 12 km, UBND tỉnh Phú Yên cũng nhắc tới nhà máy luyện kim, sản xuất thép của Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Về tiềm lực tài chính, doanh thu năm gần nhất của Hòa Phát đạt gần 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 12.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có quy mô tài sản lên tới hơn 224.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024, trong đó vốn chủ sở hữu đạt gần 115.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Hòa Phát có tới gần 26.000 tỷ đồng tiền mặt (gồm tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng).
Tập đoàn hiện có vốn hóa đạt gần 167.000 tỷ đồng, thuộc top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Minh Khánh