Tối 19-12, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị biến chứng thẩm mỹ sau tiêm "mỡ nhân tạo" nâng ngực.
Bệnh nhân là chị NTV (35 tuổi, sống tại Singapore), cách đây 10 năm đã đi nâng ngực tại một phòng khám làm đẹp ở Hồng Kông.
Tại đó, chị V được một bác sĩ tự xưng tiêm một chất lạ màu trắng quảng cáo là “mỡ nhân tạo an toàn, xài trọn đời”.
Chị chỉ thấy chất này đựng trong can nhựa lớn đơn sơ, nhưng hy vọng sở hữu vòng một căng đầy không phẫu thuật chị đã đánh liều.
Sau khi tiêm được hơn 5 năm, chị V bắt đầu thấy ngực căng cứng, bên to bên nhỏ.
Ban đầu chị tưởng do thời kỳ kinh nguyệt và có thể điều trị bằng thuốc giảm đau. Tuy nhiên cơn đau trở nên dữ dội, dai dẳng, chị quyết định về Việt Nam điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện JW Hàn Quốc phẫu thuật nạo hút "mỡ nhân tạo" cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Cách đây 4 năm, chị V đã thăm khám tại 3 cơ sở ở Việt Nam. Khi nghe bệnh sử và thấy vòng 1 ngày càng biến dạng, cứng như đá của chị, 2 cơ sở đã từ chối vì nguy cơ rủi ro quá cao, không biết chất được tiêm vào là gì.
Một cơ sở khác đề nghị thực hiện thu gọn ngực cho chị nhưng không cam kết nạo hút “mỡ nhân tạo” ra.
Cách đây vài tháng, chị V đau dữ dội như có ai đó dùng búa đập mạnh vào ngực mình. Vòng 1 ngày càng biến dạng phì đại, mỗi lần chuyển động cảm thấy đau như "chết đi sống lại".
Tình cờ được giới thiệu bác sĩ Tú Dung, chị V tìm đến để cầu cứu. Qua thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh ghi nhận vòng 1 của chị bị co thắt bao xơ nghiêm trọng, căng cứng, nghi ngờ hợp chất được tiêm vốn là silicone lỏng đã bị thế giới cấm từ lâu.
Kết quả siêu âm đánh giá cấu trúc mô tuyến ngực hỗn hợp phức tạp, thể tích silicone lớn khoảng 300-400 cc. Chị V được chụp MRI để xác định cấu trúc vòng 1.
Kết quả MRI khiến ê-kip tá hỏa vì vòng 1 “phát sáng” bởi thể tích chất lạ đặc nghẹt bên trong khoang ngực, chiếm gần như toàn bộ thể tích của bầu ngực. Mô tuyến ngực còn rất ít, chất lạ được bao bọc bởi một lớp bao xơ dày, dự đoán mỗi bên trước đó tiêm trên 500 cc chất lạ.
Bác sĩ cảnh báo thực chất trong y khoa không tồn tại khái niệm "mỡ nhân tạo", có thể đó là silicone lỏng bị cấm từ lâu. Ảnh: BVCC
Chị V được chỉ định phẫu thuật. Ê-kip phẫu thuật tiến hành bóc tách khoang ngực, ghi nhận có dịch mủ vàng, hôi tuôn xối xả. Gần 1 giờ nạo hút hết chất lạ, ê-kip mới có thể cắt bao xơ đồng thời treo tuyến ngực đường mỏ neo để tái tạo vòng 1.
Thách thức lớn nhất là phát hiện cuống mạch ngực gần như bị bao xơ ăn hết, còn lại rất ít mạch máu nuôi.
Sau mổ, ê-kip thu về hơn 2 lít chất lỏng không xác định, thành công loại bỏ toàn bộ chất lạ trong ngực bệnh nhân đồng thời tái tạo vòng 1 mới. Chị V sẽ tiếp tục được đặt ống dẫn lưu và truyền kháng sinh mạnh trong thời gian tới.
Bác sĩ Trần Trung Tín, bác sĩ tạo hình thẩm mỹ phụ trách ca mổ cho bệnh nhân V, cho biết thời gian qua, bệnh viện JW đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trường hợp biến chứng sau khi tiêm mỡ nhân tạo để làm đẹp, nhiều người thậm chí còn mua về để tự tiêm.
Theo bác sĩ Tín, thực chất trong y khoa hoàn toàn không tồn tại khái niệm "mỡ nhân tạo", mà đây chỉ là một hình thức đánh tráo câu từ để lừa gạt khách hàng.
Có thể đây chính là silicone lỏng bị cấm từ lâu, nếu tiêm vào cơ thể sẽ cực kỳ nguy hiểm, ăn mòn mô cơ gây nhiễm trùng hoại tử. Đặc biệt chất này sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể, nếu muốn nạo hút triệt để gần như bất khả thi.
Hiện nay nhu cầu làm đẹp tăng cao, nhưng song song đó là sự xuất hiện của các phương pháp làm đẹp không an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Để bảo vệ sức khỏe và duy trì sắc đẹp một cách an toàn, bác sĩ Tín lưu ý cần chọn cơ sở uy tín được Bộ Y tế cấp phép, cảnh giác với hợp chất không rõ nguồn gốc, kiểm tra chuyên môn của người thực hiện.
Đặc biệt thời điểm cận tết, thị trường làm đẹp cực kỳ sôi nổi đòi hỏi khách hàng càng phải nâng cao cảnh giác để bảo vệ tính mạng chính mình.
THẢO PHƯƠNG