Tiềm năng du lịch của hồ nước ngọt vừa xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam

Tiềm năng du lịch của hồ nước ngọt vừa xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Vẻ đẹp thơ mộng nơi hồ Lắk
Cách trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột khoảng hơn 50km, thời gian qua, hồ Lắk (thuộc địa bàn thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Với vẻ đẹp yên bình, giản dị, hồ Lắk tiềm ẩn nhiều cơ hội phát triển du lịch cho địa phương.
Hồ Lắk được bao bọc bởi những nhiều đồi núi, nơi thượng nguồn là dãy núi Chư Yang Sin, với đỉnh cao 2.442m so với mực nước biển, cùng những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, nơi có hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Nhờ vậy, nguồn nước ở hồ Lắk luôn dồi dào, ít khi bị khô cạn, ngay cả trong mùa khô Tây Nguyên.
Hồ Lắk có diện tích mặt nước rộng khoảng 500ha.
Đứng từ trên cao nhìn xuống, mặt hồ Lắk rộng lớn, phẳng lặng, xanh ngắt, phản chiếu hình bóng của mây trời và núi rừng, tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ nhưng bình yên và thơ mộng.
Đến với hồ Lắk, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ mà còn có cơ hội khám phá đời sống của cư dân bản địa. Theo đó, xung quanh hồ là những cánh đồng lúa bạt ngàn, xen lẫn các buôn làng của đồng bào M’nông như buôn Lê, buôn Jun, buôn M’Liêng… vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ.
Đồng bào dân tộc M’nông nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc: từ diễn tấu cồng chiêng, múa hát dân ca, đến việc làm và uống rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát và làm gốm thủ công.
Với vẻ đẹp yên bình, giản dị, hồ Lắk tiềm ẩn nhiều cơ hội phát triển du lịch cho địa phương.
Đặc biệt hơn, nơi đây còn nuôi dưỡng hàng chục con voi - biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng thu hút nhiều du khách đến với hồ Lắk.
Ngoài cảnh đẹp và văn hóa phong phú, hồ Lắk còn lưu giữ những truyền thuyết huyền bí. Truyền thuyết kể rằng, một ngày xa xưa, nắng hạn hàng tháng, thiêu cháy cả núi rừng. Lúc đó, chàng trai dũng cảm mang tên Y Lắk đã đi tìm nguồn nước cho buôn làng.
Nhiều ngày liền, chàng trai phải chịu cảnh đói khát băng rừng đến khi kiệt sức thì gặp một hồ nước thẳm xanh trước mặt. Kể từ đó, hồ mang tên Lắk. Đây cũng là một dấu tích lưu lại quá khứ khai hoang lập nghiệp của người M’nông quanh hồ Lắk.
Tọa lạc bên hồ Lắk là Biệt điện Bảo Đại, nơi vị vua cuối cùng của triều Nguyễn dừng chân khi vua và gia đình lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát, săn bắn. Khu Biệt điện này là một tòa nhà 3 tầng, được xây theo lối kiến trúc hiện đại. Từ Biệt điện nhìn xuống thấy cả mặt hồ Lắk lấp lánh.
Với vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ ấy, hồ Lắk được xem như một "viên ngọc quý" giữa đại ngàn và chứa đựng nhiều giá trị về tự nhiên, văn hóa. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng không chỉ riêng Đắk Lắk mà cả khu vực Tây Nguyên.
Xác lập kỷ lục
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho hay, hồ Lắk có diện tích mặt nước rộng khoảng 500ha, là hồ tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Hàng năm, hồ Lắk đã giúp địa phương thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm.
Với những giá trị thiết thực về kinh tế và du lịch, ngày 11/5/1993 Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành quyết định số 534-QĐ/BT xếp hạng hồ Lắk là Danh lam thắng cảnh Quốc gia.
Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), Viện Kỷ lục Quốc gia đã trao 3 kỷ lục quốc gia cho tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, hồ Lắk được xác lập kỷ lục là hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây Nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam (rộng trên 500ha, ở độ cao gần 417m so với mặt nước biển).
Người dân tộc M’nông sống xung quanh hồ Lắk còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Theo ông Nay Y Phú, hồ Lắk được xác lập kỷ lục không chỉ là niềm vinh dự của tỉnh Đắk Lắk, mà còn là niềm tự hào của huyện. Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh mà còn giúp địa phương thu hút đầu tư trong thời gian tới nhằm phát triển du lịch sinh thái môi trường.
"Việc phát triển du lịch sinh thái môi trường không chỉ giúp bảo vệ cảnh quan môi trường hồ Lắk và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương", ông Nay Y Phú nhấn mạnh.
Tại huyện Lắk, còn nuôi dưỡng hàng chục con voi.
Chủ tịch UBND huyện Lắk thông tin thêm: "Kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã phát huy nội lực, tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ cấp trên, từ các tổ chức doanh nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến thời điểm hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng trên địa bàn huyện Lắk đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, làm nền tảng để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển huyện Lắk".
Khánh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tiem-nang-du-lich-cua-ho-nuoc-ngot-vua-xac-lap-ky-luc-lon-nhat-viet-nam-204241123143107677.htm