Đầu tháng 2/2025, Ngân hàng Quốc dân (NCB) đã khai trương chi nhánh tại tỉnh Hà Nam với cam kết luôn đồng hành cùng với khách hàng, người dân đặc biệt là doanh nghiệp trong việc tư vấn tài chính, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. NCB cũng là một trong hơn 30 chi nhánh NHTM đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, quản lý dữ liệu tập trung, đầu tư nhiều dự án chuyển đổi số nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Việc thành lập chi nhánh tại Hà Nam tiếp tục khẳng định NCB mở rộng địa bàn hoạt động, đem nguồn vốn phục vụ khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, NCB đã có 22 chi nhánh trực thuộc và 70 điểm giao dịch trên toàn quốc.
Ông Tạ Kiều Hưng, Tổng Giám đốc NCB cho biết: Hà Nam là một cực phát triển kinh tế năng động ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh có 13 khu công nghiệp (KCN) với hơn 700 dự án đã đầu tư; gần 10 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để chi nhánh mở rộng thị phần, hướng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân nhanh chóng thuận lợi. NCB cam kết đồng hành cùng với sự phát triển chung của tỉnh, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để đầu tư nguồn vốn đến với khách hàng. Thị trường NCB hướng tới bao gồm tất cả các lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư sản xuất kinh doanh và cho vay kinh tế hộ.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi nhánh NCB Hà Nam.
Cũng giống như Chi nhánh NCB, trong nhiều năm qua các NHTM trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mở rộng chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ của các chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng hơn 40% cho vay doanh nghiệp, còn lại cho vay kinh tế hộ và cho vay khác. Theo đánh giá của các NHTM, nhiều năm qua, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các ngành và địa phương phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính khi thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đi vào sản xuất. Các ngành, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tăng cường công tác xúc tiến đầu tư qua mạng; trực tiếp thu hút đầu tư tại một số quốc gia trên thế giới; đẩy nhanh tiến độ giải phóng, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng nhà xưởng, phục vụ sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Bám sát kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã mở rộng nguồn vốn giải ngân cho khách hàng vay đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Cùng với cho vay doanh nghiệp, thời gian qua các NHTM cũng đẩy mạnh đầu tư tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân. Cụ thể, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng được vay vốn với thời gian nhanh nhất; khuyến khích mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Agribank, Chi nhánh Hà Nam cho biết: Năm 2025, chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát quá trình hoạt động của khách hàng, kịp thời giải ngân vốn cho người dân có nhu cầu vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với những khách hàng đã sử dụng vốn ngân hàng, nếu gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh đơn vị cũng xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ theo từng món, miễn giảm một phần lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến nay, khoảng hơn 65% nguồn vốn của chi nhánh cho vay phát triển kinh tế hộ, còn lại gần 35% là cho vay doanh nghiệp. Trong quý I năm 2025, mức tăng trưởng tín dụng của chi nhánh đạt và vượt kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp là khách hàng thân thiết với chi nhánh nhiều năm qua vẫn sử dụng số vốn lớn, duy trì sản xuất hiệu quả.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Khu vực 7 tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh tập trung: khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp; triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chủ động phối hợp với Hiệp hội doanh nhân tỉnh để nắm bắt thông tin về nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như xem xét, giải quyết đề nghị của khách hàng. Cùng với đó, các NHTM thường xuyên rà soát khoản vay của doanh nghiệp, cân đối lại vốn, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Trần Thoan