Tiềm năng và triển vọng du lịch trên vùng đất Tuy An

Tiềm năng và triển vọng du lịch trên vùng đất Tuy An
14 giờ trướcBài gốc
Tiếp chuyện PV Báo CAND, ông Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, địa phương này có bờ biển dài hơn 42 km với những đầm, vịnh, gành, bãi và cửa sông; trong đó có một số nơi là danh thắng quốc gia, bãi tắm cùng những cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp đã tạo dấu ấn đậm nét trong nhiều tác phẩm điện ảnh, thi ca, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh. Đến nay, trong số 3 di tích quốc gia đặc biệt và 20 di tích, danh thắng quốc gia hiện hữu trên địa bàn tỉnh Phú Yên, có 1 di tích quốc gia đặc biệt và 8 di tích, danh thắng quốc gia nằm ở huyện Tuy An, nên vùng đất này có nhiều tiềm năng và triển vọng du lịch đa dạng từ biển đảo đến sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Du khách đến Gành Đá Đĩa – góc nhìn từ Flycam. Ảnh: Trung Thi
Nổi bật nhất là Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, từ nhiều năm qua đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là Danh thắng quốc gia Đầm Ô Loan mộc mạc, hoang sơ nhưng giàu sức quyến rũ, rồi Di tích quốc gia quần thể Hòn Yến cũng là một kiệt tác độc đáo, mỗi khi thủy triều rút xuống du khách thỏa sức chiêm ngưỡng thiên đường san hô trên cạn, được ví như bức tranh “hoa gấm đại dương” nhiều sắc màu kỳ ảo.
Và trong hành trình du lịch Tuy An, du khách còn có dịp tìm hiểu về những di tích đậm chất lịch sử, văn hóa như Di tích khảo cổ quốc gia Thành An Thổ, đây cũng là nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cất tiếng khóc chào đời; Di tích lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương – một nhà chí sĩ yêu nước dựng cờ khởi nghĩa, lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Phú Yên cuối thế kỷ 19; Di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng gắn liền những chiến tích hào hùng của quân và dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ. Tại Di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia Chùa Từ Quang – nơi có xoài tiến vua dưới triều Gia Long được ghi nhận là “nhị bảo ngự thiện”, đến nay vẫn còn quần thể xoài cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Sắc màu kỳ ảo rạn san hô trong quần thể Di tích danh thắng quốc gia Hòn Yến. Ảnh: bachhoaxanh.com
Vẻ đẹp vùng đất Tuy An không chỉ có ở những di tích lịch sử, danh thắng quốc gia, mà còn hiện hữu nhiều cảnh quan ven biển và trên đồi rừng. Kể từ khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trình chiếu năm 2015 với nhiều phân cảnh ở Bãi Xép, xã An Chấn, huyện Tuy An đã khiến cho khán giả điện ảnh say mê. Từ đó đến nay, vẻ đẹp đậm chất hoang sơ và thơ mộng của Bãi Xép cuốn hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, còn tên bộ phim đã trở thành thương hiệu du lịch Phú Yên. Cách Bãi Xép không xa là đảo Hòn Chùa dành cho du khách trải nghiệm biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Đi về phía Tây có thác vực Hòm, hồ Đồng Tròn giàu tiềm năng du lịch sinh thái, sơn thủy hữu tình. Còn trong du lịch văn hóa tâm linh, ngoài Nhà thờ Mằng Lăng cổ kính nhất Phú Yên xây dựng từ năm 1892, hơn một năm qua Thiền viện Trúc Lâm trên dãy đồi lộng gió, thu hút du khách thập phương chiêm bái đức Phật trong không gian kiến trúc hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, cảm nhận sự an yên sau tiếng chuông chùa đánh thức tâm trí con người hướng về nẻo thiện.
Du khách đến Tuy An còn có cơ hội trải nghiệm những làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân hơn trăm năm tuổi; bánh tráng Hòa Đa làm hạt gạo đồng quê; nước mắm Mỹ Quang thơm nồng vị biển. Đến tháng giêng mỗi năm, Tuy An còn có những lễ hội truyền thống giàu bản sắc văn hóa, gắn liền nhiều di tích lịch sử, danh thắng quốc gia như Lễ hội đua thuyền Đầm Ô Loan, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Lễ hội Chùa Từ Quang và Lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương…
Hồ chứa nước Đồng Tròn, huyện Tuy An. Ảnh: Dương Thanh Xuân.
Bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Phó trưởng Phòng VH,KH&TT huyện Tuy An cho biết, trong năm 2024 vùng đất này thu hút hơn 480 ngàn lượt du khách, trong đó có 3.627 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch hơn 38,1 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Riêng 4 tháng đầu năm nay đã đón hơn 180 ngàn lượt du khách, điểm đến sôi động nhất vẫn là Gành Đá Đĩa với doanh thu hơn 4,6 tỷ đồng.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng và triển vọng du lịch ở địa phương, trong thời gian qua huyện Tuy An đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh Phú Yên về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; Chương trình hành động của Huyện ủy Tuy An về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2030. Trong đó, tập trung đổi mới tư duy phát triển du lịch, lập quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương để tạo lợi thế cạnh tranh; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch…
“Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Phú Yên đã xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 15 xã, thị trấn ở huyện Tuy An còn lại 5 xã. Cùng với việc nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định quốc phòng – an ninh, 5 xã sau sắp xếp sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng kinh tế du lịch miền di sản Tuy An để tạo nên diện mạo mới trên chặng đường phía trước” – ông Huỳnh Gia Hoàng chia sẻ.
Hữu Toàn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/kinh-te/tiem-nang-va-trien-vong-du-lich-tren-vung-dat-tuy-an-i767512/