Tiền ảo có phải là tài sản, lừa tiền ảo có phạm tội?

Tiền ảo có phải là tài sản, lừa tiền ảo có phạm tội?
13 giờ trướcBài gốc
Gửi câu hỏi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, bạn đọc Nguyễn Anh (TP.HCM) hỏi:
"Tiền ảo, tiền điện tử có phải là tài sản hay không? Nếu bị lừa mất tiền ảo thì đối tượng lừa đảo có bị quy tội lừa đảo và các điều kiện khác về hành vi?"
Phiên xử vụ cướp tiền ảo trên cao tốc. Ảnh: SM
Giải đáp vấn đề này, ThS Phan Thị Phương Hiền, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết hiện nay còn tồn tại những quan điểm khác nhau về tiền ảo. Trong đó, Chỉ thị (EU) 2018/843 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu xác định “tiền ảo” có nghĩa là “một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử”.
Tiền ảo có phải là tài sản?
Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, tiền ảo (trong đó có tiền mã hóa, nổi tiếng nhất là Bitcoin) chưa được xem là tài sản.
Điều 105 BLDS năm 2015 quy định: “tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Tiền ảo không phải do Ngân hàng nhà nước phát hành cho nên không được xem là tiền pháp định và theo quy định cũng không được xem phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định: “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Đối với các loại tài sản khác: Vật được hiểu là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại với hình dáng, kích thước, tính năng, đặc điểm riêng biệt. Vì vậy tiền ảo không được xem là vật.
Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng năm 2010 quy định "giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác”.
Từ căn cứ này, tiền ảo cũng không được xem là giấy tờ có giá. Điều 115 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Tiền ảo hiện nay cũng chưa được công nhận là quyền tài sản.
Từ các phân tích trên, tiền ảo không được xem là một trong bốn loại tài sản được quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015 nên tiền ảo không được xem là tài sản theo pháp luật Việt Nam hiện hành.
Tuy nhiên, Điều 46 Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 (đã được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2025 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2026) quy định: “Tài sản số là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.” Cũng theo Khoản 2 Điều 47 luật này, tài sản số bao gồm: tài sản ảo trên môi trường điện tử, tài sản mã hóa và tài sản số khác.
Như vậy, từ ngày 1-1-2026, tài sản ảo, tài sản mã hóa và tài sản số khác sẽ được xem là tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lừa tiền ảo có phạm tội?
Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 thì ngoài thỏa mãn dấu hiệu hành vi thì cần thỏa mãn dấu hiệu đối tượng tác động là tài sản, bởi khi hành vi tác động đến tài sản của người khác thì quyền sở hữu mới có thể bị gây thiệt hại.
Vì tiền ảo chưa được xem là một loại tài sản theo pháp luật Việt Nam nên nếu có bị lừa mất tiền ảo thì đối tượng lừa đảo về nguyên tắc không thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo BLHS hiện hành.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử ghi nhận tại Bản án số: 841/2023/HS-PT ngày 01 - 11 - 2023 của TAND Cấp cao tại TP.HCM về “Tội cướp tài sản” (điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS năm 2015), HĐXX có nhận định các bị cáo đã khống chế nạn nhân, chuyển thành công 168 Bitcoin, rồi quy đổi 86,91 Bitcoin được 18.880.000.000 đồng và đã chiếm đoạt 03 điện thoại di động, 01 camera hành trình trị giá 45.115.000 đồng. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi của các bị cáo phạm tội “Cướp tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS là có căn cứ. Như vậy bản án ghi nhận việc quy đổi tiền mã hóa Bitcoin ra tiền VNĐ vẫn là căn cứ để xác định là dấu hiệu định khung hình phạt trong Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS).
Cần lưu ý, hiện nay tiền ảo chưa được công nhận là tài sản nhưng từ ngày 1-1-2026 thì tài sản ảo, tài sản mã hóa sẽ được xem là tài sản theo quy định của Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025. Từ đó việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảo, tài sản mã hóa sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của tội phạm này.
HỮU ĐĂNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/tien-ao-co-phai-la-tai-san-lua-tien-ao-co-pham-toi-post860203.html