Pi lao dốc, "Pi thủ" lao đao
Chiều 30/3, trên sàn giao dịch OKX, giá trị đồng tiền ảo Pi Network được giao dịch quanh mức 0,78 USD/Pi. Đây là mức giá gần về mức thấp nhất kể từ ngày đồng tiền ảo này được niêm yết, so với mức giá 2 USD/Pi trong ngày lên sàn 20/2, giá trị đồng tiền này đã giảm tới 1,22 USD/Pi (tương đương khoảng 61%).
Với việc giá trị đồng tiền ảo này liên tục rớt giá mà không tăng như kỳ vọng, trên các diễn đàn mạng xã hội về đồng tiền Pi đã "nổ" ra 2 luồng ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người kêu gọi nhà đầu tư nên tranh thủ lúc giá Pi xuống thấp nên mua vào để gom Pi kiếm lời khi giá tăng cao, thì nhiều bài viết trên mạng xã hội lại bày tỏ sự thất vọng với những bất thường của đồng tiền này và cho biết đã bán hết cắt lỗ vì lo sợ giá sẽ tiếp tục giảm.
Tài khoản Nguyễn Tuân viết: "Đỏ mua không, xanh lấy gì bán. Đây là lúc anh em Pi thủ nên mua vào, đến cuối năm giá tăng sẽ thắng lớn".
Trong khi đó, nhiều người dùng cũng cho biết giá Pi có thể tiếp tục giảm nên đã đặt lệnh mua ở mức 0,6-0,7 USD để hy vọng có thể gom Pi với giá tốt.
Nhiều bài viết gây tranh cãi trong các hội nhóm Pi Network. (Ảnh chụp màn hình)
Ở chiều ngược lại, trong những hội nhóm này, số lượng bài viết bày tỏ sự thất vọng, kêu gọi bán cắt lỗ khi Pi kéo dài chuỗi ngày giảm giá có phần chiếm ưu thế hơn.
Tài khoản Ngày Tháng đặt câu hỏi: "Ai phân tích giúp tại sao Pi chỉ có giảm không tăng không? Đà này thì chắc chắn còn giảm".
Tương tự, tài khoản Hoàng Lâm viết: "Pi lại xuống nữa rồi, lên thì chậm mà sao xuống lại nhanh thế, không hiểu nổi".
Trong khi đó, một tài khoản ẩn danh bức xúc: "Pi Network là trò lừa, tạo niềm tin cho mọi người khiến Pi thủ tin tưởng bỏ tiền tích góp ra để mua Pi, hy vọng Pi sẽ lên giá để đổi đời.
Những nhà phát hành thuê những người có sức ảnh hưởng tại các cộng đồng để tuyên truyền rằng Pi network là đồng tiền chung của toàn cầu nó sẽ đạt 314$/Pi khiến nhiều người tin tưởng đó là thật và sẵn sằng vay tiền ngân hàng hoạc bỏ hết số tiền tiết kiệm trong nhiều năm đầu tư pi khiến họ thiệt hại nặng hoặc mất trắng".
Phân tích kỹ hơn về nhận định của mình, tài khoản này viết, nhà phát triển cố tình chây ì mở mainnet để ăn tiền quảng cáo trong nhiều năm với số tiền có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Tiếp đó là cố tình chặn xác minh danh tính (KYC) hoạc làm treo quá trình này khiến người đào Pi không nhận được Pi và nếu có nhận được Pi năm 2025 thì phải đến 2028 họ mới bán được.
Thời gian này, nhà phát hành sẽ có thời gian xả trộm ít nhất vài tỷ Pi trong 3 năm nay.
"Từ giờ đến cuối năm giá Pi sẽ về 0.05-0.1$/Pi, rất may CEO của bybit và sàn Binance đã chặn đứng vụ lừa đảo này bảo vệ người dùng. Mọi người cẩn thận, nếu đầu tư nên đầu tư với số tiền chấp nhận mất mà không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình", tài khoản này viết.
Trong khi đó, nhiều người cũng cho biết đã đăng ký bán hết Pi, chấp nhận lỗ vì lo sợ giá Pi sẽ tiếp tục giảm giá về mức thấp.
Nhiều bất thường
Cũng trên các hội nhóm về Pi Network, nhiều người dùng cũng bức xúc, than phiền về việc Pi chưa về ví dù đã hoàn thành quá trình KYC từ rất lâu.
Trước đó, trong thông báo mới nhất được đưa ra, đội ngũ sáng lập hệ sinh thái Pi Network cho biết, sẽ tiếp tục ngừng trả Pi về ví cho Pioneer.
Hệ thống đã buộc phải dừng lại để kiểm tra thông qua các phân tích và phân tích bổ sung trước khi cho phép người dùng di chuyển, đảm bảo tính an toàn và bảo mật của tài khoản người dùng.
Hiện quá trình kiểm tra hệ thống đã hoàn thành và đội ngũ thông báo: “Quá trình di chuyển hiện đã được tiếp tục và sẽ dần mở rộng khi có thêm nhiều 2FA dựa trên email và kiểm tra cấp hệ thống hoàn tất. Pi Network cam kết chuyển đổi suôn sẻ và an toàn, và chúng tôi đánh giá cao sự kiên nhẫn của bạn vì tính bảo mật tài khoản được tăng cường cho mọi người”.
Cũng trong thông báo trên, Pi Network cập nhật về việc di chuyển Mainnet và xác minh tài khoản. Đội ngũ sáng lập cũng đã chỉ ra những bất cập trong phương thức xác minh, xác thực truyền thống.
Pi Core Team đưa ra lý do phát hành tính năng xác thực mới. Bởi lẽ, ngay từ thời điểm bắt đầu, các tài khoản Pi được xác thực bằng số điện thoại làm mã định danh duy nhất mà không sử dụng địa chỉ email.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, phương thức này đã thể hiện sự bất cập, không đảm bảo tính bảo mật qua những tin nhắn SMS kết nối giữa người dùng và đội ngũ phát triển mà nguyên nhân bắt nguồn từ những hạn chế về mặt địa lý trong các quy định về viễn thông, chính sách của nhà mạng, đăng ký dịch vụ và chi phí của cá nhân…
Đặc biệt, lúc này hầu hết người dùng Pi đang trong giai đoạn xác thực danh tính KYC để chuyển sang giai đoạn mainnet nên càng yêu cầu chặt chẽ hơn về tính bảo mật. Từ đó, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ các phương pháp xác thực tiên tiến như mật khẩu và sinh trắc học. Xác minh 2FA dựa trên email không chỉ giải quyết các thách thức trên mà còn cải thiện tính bảo mật nhờ khía cạnh hai yếu tố.
Giá trị tiền ảo Pi chiều 30/3 vẫn không ngừng giảm giá. (Ảnh chụp màn hình)
Nhận định về đầu tư tiền ảo Pi hiện nay, ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng việc quan trọng nhất của đầu tư là phải hiểu mình đang đầu tư vào cái gì, như thế nào?
“Tiền ảo là cả một thị trường rộng lớn với rất nhiều loại tiền khác nhau. Tuy nhiên đầu tư vào đó giống như một loại niềm tin, hy vọng hơn là một phương án đầu tư tài chính rõ ràng”, ông Dũng nêu quan điểm.
Theo ông Dũng, nhà đầu tư cần phải cẩn trọng khi “đổ tiền” gom Pi trong bối cảnh thị trường chưa rõ ràng xu hướng và đầy rủi ro như hiện tại.
Ngoài ra, Pi đang được tạo ra một cách miễn phí nên rất khó để thấy được giá trị của đồng tiền này ở đâu để có căn cứ tin rằng nó sẽ tăng giá trị.
“Như chứng khoán, cổ phiếu, vàng, bất động sản… chúng ta có thể tính toán được vì sao nó lên xuống. Nhưng với Pi, chính những người chơi có lẽ cũng không hiểu được nó có giá trị vì điều gì”, ông nhận định.
Từ đó, chuyên gia Nguyễn Anh Dũng cho rằng tiền ảo giống như một dạng tài sản đầu cơ. Nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự đảm bảo của thị trường, nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể sẽ trở thành miếng mồi ngon cho các “cá mập”.
Trên khía cạnh hoạch định tài chính cá nhân, ông Dũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên lựa chọn những phương án tài chính rủi ro như thế. Nếu có, hãy chỉ dùng một phần nhỏ tài sản nhàn rỗi để tham gia theo hướng thăm dò chứ chưa nên đi sâu.
Đức Thiện