Họa sĩ Lê Thiết Cương đã rời cõi tạm vào lúc 18h55 ngày 17/7, hưởng thọ 64 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội từ 9h30 sáng ngày 21/7. Được biết đến như một người nghệ sĩ tài hoa, Lê Thiết Cương đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong nền hội họa và nghệ thuật Việt Nam. Nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã có mặt để tiễn đưa họa sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã có mặt để tiễn đưa họa sĩ Lê Thiết Cương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Họa sĩ Vi Kiến Thành xúc động chia sẻ về phong cách nghệ thuật của Lê Thiết Cương: “Tranh vẽ theo phong cách tối giản ngoài ý tưởng ra cần sự khổ luyện để có tạo hình và nét đẹp. Mỹ cảm về hình và nét trong tranh tối giản cực kỳ quan trọng. Khoảng cách giữa tối giản và dễ dãi chỉ cách nhau một sợi tóc. Hôm nay, tiễn biệt bạn Lê Thiết Cương về Trời”.
Tại lễ tang của họa sĩ Lê Thiết Cương, NSND Thanh Lam không kìm được cảm xúc và chia sẻ rằng chị đã có dịp quen biết và gắn bó khá thân thiết với anh. Với nữ ca sĩ, Lê Thiết Cương không chỉ là một người đồng nghiệp mà còn là người anh, người bạn tri kỷ. Cả hai đã có những cuộc trò chuyện sâu sắc về âm nhạc và những quan điểm sống, để lại trong lòng chị nhiều kỷ niệm đáng quý.
BTV Quang Minh viếng họa sĩ Lê Thiết Cương
NSND Thanh Lam bày tỏ rằng chị đặc biệt yêu thích các tác phẩm của anh, đặc biệt là sự tĩnh tại mà anh thể hiện trong từng bố cục của bức tranh. Chị cảm nhận rõ nét cách sử dụng màu sắc của anh, không chỉ đẹp mà còn rất trong sáng. Theo Thanh Lam, mỗi bức tranh của Lê Thiết Cương đều mang trong mình linh hồn của chính anh, như một phần di sản mà anh để lại cho đời, thể hiện sự sâu sắc trong cả nghệ thuật và tâm hồn.
NSND Thanh Lam đến tiễn biệt người họa sĩ thân thiết. Ảnh: Giang Huy
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thay mặt Ban tổ chức lễ tang đọc điếu văn, khẳng định: “Lê Thiết Cương đã âm thầm góp phần làm phong phú nền mỹ thuật và sân khấu Việt Nam, không chỉ qua sáng tác mà còn trong vai trò giám tuyển, lý luận phê bình. Ông cũng để lại dấu ấn trong việc giúp đỡ gia đình các họa sĩ đã khuất tổ chức triển lãm, đưa tác phẩm của họ trở lại với công chúng”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đọc điếu văn.
Lê Nguyên Nhật, con trai trưởng của họa sĩ, chia sẻ lời cảm ơn từ gia đình: “Những ngày cuối trên giường bệnh, bố chia sẻ rằng vì được nhiều người yêu thương nên sẽ chiến đấu vì những người thương bố. Tất cả những người hiện diện ở đây đều rất quý giá với bố cháu và gia đình. Xin cúi đầu cảm tạ và mong mọi người lượng thứ nếu có sơ suất trong lúc tang gia bối rối”.
Trong không gian trang nghiêm, nghệ sĩ sáo Lê Thư Hương thổi bài "Siciliano" của Sebastian Bach, bản nhạc mà họa sĩ rất yêu thích. Âm nhạc đã khiến mọi người không khỏi xúc động và rơi nước mắt.
Nghệ sĩ sáo Lê Thư Hương thổi bài "Siciliano" của Sebastian Bach, bản nhạc mà họa sĩ rất yêu thích. Ảnh: Giang Huy
Lê Thiết Cương, sinh năm 1962, con trai của biên kịch Lê Nguyên và nhà quay phim Đỗ Phương Thảo, đã theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ông đã dành gần 40 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, đồng thời gặt hái thành công trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, và thiết kế. Ông cũng là giám tuyển cho nhiều triển lãm trong và ngoài nước, với các tác phẩm hiện diện tại Bảo tàng Quốc gia Singapore.
Không chỉ trong mỹ thuật, Lê Thiết Cương còn để lại dấu ấn trong phê bình nghệ thuật qua những cuốn sách như “Thấy” (2017) và “Trò chuyện với hội họa” (2025). Trước khi qua đời, ông đã hoàn thành cuốn tản văn mới và chuẩn bị tổ chức triển lãm.
Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời để lại một khoảng trống lớn trong nghệ thuật Việt Nam, nhưng những di sản mà ông để lại sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ tiếp theo.
Hà Phương/VOV.VN