Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân

Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân
5 giờ trướcBài gốc
Xác định CCHC là trụ cột then chốt trong phát triển bền vững, tỉnh tập trung nâng cao 2 chỉ số trọng yếu: Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Những nỗ lực thực chất này đã đem lại kết quả ấn tượng. Theo công bố kết quả của Bộ Nội vụ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ ngày 6/4/2025, Chỉ số PAR INDEX năm 2024 của Cà Mau đạt 89,33%, tăng 2,44 điểm, vươn lên xếp thứ 20/63 tỉnh, thành (tăng 14 bậc); Chỉ số SIPAS đạt 86,42%, tăng 2,28 điểm, đứng 12/63, tăng 6 bậc so với năm trước. Ðây không chỉ là những con số cho thấy sự cải thiện mà còn là minh chứng rõ nét cho những thay đổi sâu rộng, toàn diện và có chiều sâu trong bộ máy hành chính địa phương.
Ngay từ đầu, Cà Mau khẳng định chuyển đổi số là đòn bẩy tạo đột phá, việc ứng dụng công nghệ là để nâng tầm quản trị công. Theo đó, việc thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh, từ xử lý văn bản trên môi trường số đến giám sát hoạt động quản lý qua các hệ thống chuyên ngành. Song song đó là đẩy mạnh số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tích hợp dữ liệu trên căn cước công dân. Tất cả hướng đến giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Tỷ lệ người dân thực hiện được dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng.
Tỉnh đang triển khai phong trào bình dân học vụ số, với mục tiêu phổ cập kỹ năng số đến tận cơ sở. Các tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò cầu nối, hướng dẫn người dân thao tác trên các nền tảng dịch vụ công. Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “Càng nhiều người dân làm được dịch vụ công trực tuyến thì hiệu quả cải cách càng sâu sắc và bền vững”. Ðây là bước đi quan trọng nhằm tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh, giảm thiểu chi phí, tạo tiền đề cho một xã hội số toàn diện, từ thành thị đến nông thôn.
Cùng với chuyển đổi số, tỉnh đặc biệt chú trọng hoàn thiện thể chế, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và khả thi trong thực thi pháp luật. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai bài bản nhằm loại bỏ các quy định chồng chéo, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng kẽ hở chính sách để trục lợi. Ðồng thời, khuyến khích, biểu dương những sáng kiến CCHC hiệu quả, lan tỏa tinh thần đổi mới trong toàn hệ thống.
Với phương châm “rõ người thực hiện, rõ nội dung, rõ thời gian”, tỉnh yêu cầu toàn bộ hồ sơ hành chính được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh. Người trực tiếp giải quyết hồ sơ phải theo dõi sát tiến độ, chủ động xử lý, không để xảy ra tồn đọng hay trễ hẹn; luôn thể hiện tốt vai trò phục vụ tận tâm, trách nhiệm đến từng hồ sơ. Nếu phát sinh chậm trễ phải xin lỗi công khai, điều này thể hiện rõ nét tinh thần cầu thị và trách nhiệm trước Nhân dân.
Tỉnh Cà Mau xác định, cải cách không thể bền vững nếu thiếu đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tận tâm. Do đó, công tác xây dựng đội ngũ được chú trọng, từ bồi dưỡng năng lực, tăng cường kiểm tra nội bộ đến xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó là các hoạt động truyền thông gần gũi, khơi dậy tinh thần chủ động phản ánh, góp ý từ cộng đồng.
Cùng với cải cách nền hành chính, tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tận tâm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.
Cà Mau đang chứng minh quyết tâm chính trị cao trong xây dựng một nền hành chính phục vụ, kiến tạo và hướng tới tương lai số. Thành công không chỉ đến từ việc cải thiện chỉ số mà còn thể hiện qua sự hài lòng ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp, những đối tượng thụ hưởng trực tiếp.
Cùng với đó, các kênh tiếp cận hành chính cũng được đầu tư đồng bộ. Trung tâm Giải quyết TTHC cấp tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện, xã, cùng với các cổng thông tin điện tử, video hướng dẫn, tổ công nghệ số cộng đồng và các cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công... tạo nên hệ sinh thái hành chính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và thân thiện.
Ðể tiếp tục nâng cao Chỉ số SIPAS, tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các thông tin, chính sách bằng nhiều hình thức phù hợp, thuận tiện và dễ hiểu. Công tác tuyên truyền được đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Ðồng thời, tạo điều kiện để người dân được biết, được tham gia, được giám sát, phản ánh, kiến nghị, qua đó thúc đẩy sự đồng hành giữa chính quyền và Nhân dân.
Các cấp, các ngành được yêu cầu chủ động, tích cực hơn trong việc tiếp xúc, đối thoại với người dân; nâng cao trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời phát hiện và khắc phục hạn chế trong quản lý; tăng cường tính minh bạch và giải trình với Nhân dân. Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thực thi công vụ đúng quy định, đúng chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.
Với chiến lược rõ ràng, hành động quyết liệt và tầm nhìn dài hạn, Cà Mau đang tiến những bước vững chắc trên hành trình hiện đại hóa nền hành chính, khẳng định bản sắc của một chính quyền vì dân, chuyên nghiệp, hiệu quả và đổi mới không ngừng./.
Kim Cương
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/tien-den-chinh-quyen-chuyen-nghiep-vi-dan-a39126.html