Tiền điện tháng 6 lại tăng cao, người tiêu dùng đặt hàng ngàn câu hỏi vì sao?

Tiền điện tháng 6 lại tăng cao, người tiêu dùng đặt hàng ngàn câu hỏi vì sao?
7 giờ trướcBài gốc
Tiền điện tháng 6 tăng vọt so với những tháng trước đang là chủ đề bàn tán gây xôn xao dư luận, tạo thành “bão” trên các mạng xã hội. Tìm hiểu vấn đề này từ nhiều hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt tại Hà Nội cho thấy, lượng điện sử dụng trong tháng 6 có tăng đột biến so với trước, dẫn tới số tiền điện phải trả khá cao.
Muôn vàn thắc mắc lẫn bức xúc…
Chị Minh, nhà ở phường Ba Đình, Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2025 đến hết tháng 5, bình quân mỗi tháng gia đình phải trả từ 1 - 1,3 triệu tiền điện. Tuy nhiên đến đầu tháng 7 này, khi nhận được thông báo tiền điện của tháng 6, chị ngạc nhiên vì tiền điện lên đến trên 2,3 triệu đồng, tăng hơn so với trước khoảng 1 triệu đồng. Bất ngờ hơn là các thiết bị điện trong nhà không tăng thêm, số người dùng điện còn giảm đi.
“Nhiều người nói tháng 6 trời cao điểm nắng nóng và giá điện mới điều chỉnh tăng, con trẻ lại được nghỉ Hè nên sử dụng điện nhiều hơn. Nhưng nhà tôi vẫn 2 vợ chồng và cháu lớn đi làm cả ngày, cháu bé được nghỉ Hè đã gửi về ông bà nội từ đầu tháng 6, nên ban ngày không có người ở nhà để phải dùng điều hòa, chỉ có tủ lạnh vẫn chạy quanh năm. Đêm nào nóng chỉ bật điều hòa ở 2 phòng, nhưng không hiểu sao tiền điện lại tăng nhiều đến thế!”, chị Minh thắc mắc.
Tổng hợp một số thông báo tiền điện tháng 6 của các hộ dân
“Không lắp đặt thêm thiết bị”, “mức độ sử dụng điện vẫn thế nhưng tiền điện lại tăng” là những câu hỏi hoài nghi từ nhiều người dân, khi thấy tiền điện tháng qua tăng cao. Thậm chí có trường hợp cho biết, tháng 6 cả gia đình đi du lịch suốt 1 tuần nhưng tiền điện vẫn tăng hơn so với tháng 5.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, sẽ không khó để thấy hàng nghìn comment tỏ thái độ khó hiểu, bức xúc với số tiền điện phải trả trong tháng 6. Nội dung kiểu như: “Điện tăng giá 5% hay tăng 50% mà tiền điện tháng này cao ngất!”, “Khu nhà tôi ai cũng ‘sang chấn tâm lý’ vì tiền điện tháng này”, “Mùa nào thức nấy, cứ Hè sang là tiền điện lại tăng”, “Điều hòa bật có mấy hôm nóng, nhà toàn dùng quạt mà tiền điện tăng gấp rưỡi”,…
Mùa nắng nóng, sử dụng điện sinh hoạt phục vụ làm mát là nhu cầu tất yếu của người dân. Điện năng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho mọi người, nhưng với số tiền điện phải trả quá cao so với mức thu nhập của nhiều gia đình, nên khả năng nhiều hộ sẽ phải hạn chế sử dụng các thiết bị cao cấp như điều hòa, quạt hơi nước để tiết kiệm tiền tăng chi phí cho nhiều khoản khác.
Anh Thành ở phường Giảng Võ cho biết, do công việc bấp bênh nên thu nhập giảm nhiều so với trước, điều này kéo theo các chi phí cho gia đình 4 người đã phải hạn chế đến mức tối đa. Dù vậy, ngày nắng nóng vẫn phải dùng điều hòa 1 vài tiếng ban đêm cho gia đình nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe. Vì thế tiền điện tháng vừa qua đã tăng thêm hơn 1 triệu đồng, nên anh sẽ cân nhắc tiết giảm việc sử dụng điều hòa, dù biết như thế sẽ rất khổ sở.
“Gia đình khó khăn nên mọi người trong nhà đều xác định tinh thần tiết kiệm. Các khoản chi điện, nước, xăng dầu nhiều quá sẽ làm chi phí cho học hành, ăn mặc giảm đi. Trong lúc nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay, để cân đối đủ so với mức thu nhập là bài toán rất khó như gia đình tôi”, anh Thành bày tỏ.
Tiền điện tăng nhiều hộ gia đình phải cân đối chi phí
Những lý giải từ ngành điện
Những thắc mắc của người dân về tiền điện tháng 6 tăng cao đã được trao đổi với Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), đại diện đơn vị này cho biết, tháng 6 vừa qua ghi nhận mức tăng nhiệt độ rõ rệt tại Hà Nội, với nền nhiệt trung bình tăng từ 2 - 6 độ so với tháng 5. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm nắng nóng đầu và giữa tháng 6, nhiệt độ ngoài trời lên tới 41 độ, mức nhiệt cảm nhận thực tế thậm chí đạt 52 độ.
“Nhiệt độ cao kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, còn làm gia tăng nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt và tủ lạnh. Tình trạng này khiến sản lượng tiêu thụ điện trong toàn thành phố tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực dân cư”, đại điện EVNHANOI cho biết.
Theo thống kê của EVNHANOI, trong tháng 6/2025, nhóm khách hàng thuộc thành phần quản lý tiêu dùng dân cư chiếm hơn 59,5% tổng sản lượng, tăng 1,15 lần so với tháng 5. Điều này phản ánh tác động trực tiếp của thời tiết tới hành vi sử dụng điện trong các hộ gia đình. Nhất là khi kỳ nghỉ Hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng, dẫn đến thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.
Nhiệt độ cao không chỉ làm tăng tần suất sử dụng điện, còn khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì hiệu quả vận hành. Khi có chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, máy điều hòa phải hoạt động liên tục, ít tạm ngắt dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng cao dù thời lượng sử dụng không thay đổi.
“Điều này khiến lượng điện năng tiêu thụ tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng Hè và các cháu nhỏ nghỉ Hè ở nhà, làm tổng số tiền điện tháng 6/2025 các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước”, theo đại diện EVNHANOI.
Sản lượng điện trung bình tiêu thụ điện trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm 2025
Để công khai minh bạch quá trình đo đếm và tính tiền điện mỗi tháng, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng chủ động theo dõi lượng điện tiêu thụ của gia đình hằng ngày, thông qua hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của EVNHANOI như App EVNHANOI, website evnhanoi.vn,...
Đặc biệt, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra sản lượng điện, đặt ngưỡng cảnh báo khi vượt mức tiêu thụ bình thường để kịp thời điều chỉnh hành vi sử dụng điện. Đặc biệt trong mùa Hè, người dân nên sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý (từ 26 - 28 độ) kết hợp với quạt. Tắt các thiết bị khi không cần thiết và hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị công suất lớn trong khung giờ cao điểm từ 12h00 - 15h00 và từ 22h00 - 24h00 hàng ngày.
Dùng điện thông thái trong ngày Hè
Theo giới chuyên gia phân tích, khi giá điện hiện nay được tính theo phương pháp lũy tiến 6 bậc, nên lượng điện các gia đình sử dụng càng nhiều, số tiền phải trả cho đơn giá ở bậc 5 và 6 (tức là từ 400 kWh trở lên) càng lớn (đơn giá từ 3.350 - 3.460 đồng/kWh chưa thuế VAT). Do đó, chỉ cần trong tháng lượng điện hộ tiêu dùng tăng thêm 100 - 200kWh so với mức sử dụng bình quân, số tiền điện phải trả lập tức tăng vọt so với các bậc thấp hơn và những tháng trước đó.
Người dân nên sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý (từ 26 - 28 độ) kết hợp với quạt
Ở góc độ kỹ thuật, Kỹ sư Trần Văn Lê, CEO Công ty phân phối thiết bị điện lạnh Lê Thủy cho biết, riêng đối với máy điều hòa nhiệt độ dù có công suất danh định do nhà sản xuất đưa ra, nhưng thời gian và môi trường hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu năng cũng như mức độ tiêu thụ điện.
“1 máy điều hòa sẽ không tiêu thụ điện cố định theo công suất danh định, ví dụ 1.200kWh hay 1.500kWh vì còn phụ thuộc vào nguyên lý thiết kế, các yếu tố môi trường và không gian, thời gian máy làm lạnh. Dù cùng 1 môi trường làm việc, nhưng nhiệt độ bên ngoài sẽ ảnh hưởng rất đến thời gian chạy máy, cũng như các yếu tố cộng sinh như người, đồ vật che chắn hay quá trình vệ sinh máy định kỳ… sẽ ảnh hưởng đến lượng điện năng tiêu thụ. Do đó, không có chuyện trong tháng này chiếc điều hòa đó dùng hết 200kWh thì tháng sau vẫn phải như thế, nên mọi người cần tìm hiểu sử dụng điều hòa đúng cách, vừa để tiết kiệm được tiền điện lại vẫn làm cho cuộc sống tốt hơn”, ông Lê cho biết.
Tuấn Đạt/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/tien-dien-thang-6-lai-tang-cao-nguoi-tieu-dung-dat-hang-ngan-cau-hoi-vi-sao-post1212334.vov