Sau 17 năm đi vào hoạt động, nhiều hạng mục của cầu Thanh Trì đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông của người dân.
Sửa chữa một số hạng mục của cầu Thanh Trì để đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh minh họa.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở GTVT TP Hà Nội về đảm bảo an toàn giao thông trên Cầu Thanh Trì. Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP đã triển khai một số giải pháp nhằm giảm thiểu thương tích và hư hỏng kết cấu cầu Thanh Trì.
Cụ thể, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội đã sơn gờ giảm tốc 3mm trên phần đường dành cho xe máy tại 16 vị trí/2 chiều.
Cùng với đó, đã sơn gờ giảm tốc 6mm cho cả mặt đường phía bờ Nam, 1 vị trí 12 vạch. Bờ Bắc cầu chưa sơn do mặt đường hư hỏng mới thảm lại.
Ban duy tu cũng đã hàn liên kết và lắp đặt trên hiện trường 66 đơn nguyên cho cả 2 hướng dải phân cách mềm giữa ô tô và xe máy (mỗi đơn nguyên 6m).
Đồng thời lắp đặt loa tuyên truyền tại 2 đầu cầu để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, giữ tốc độ và khoảng cách đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Theo thông tin từ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội, hiện có 2 hạng mục đang triển khai gồm: Tăng cường phản quang bằng giải pháp dán giấy phản quang trên trụ bê tông, ống suốt DPC mềm giữa ô tô và xe máy; Sơn gờ giảm tốc 6mm cả mặt đường phía Bắc.
Với 2 hạng mục nêu trên, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội cho biết sẽ hoàn thành trước 22/12/2024.
Cầu Thanh Trì được khánh thành và đi vào khai thác từ tháng 2/2007. Cầu Thanh Trì giúp giải tỏa sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội); đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải, lưu thông qua nội thành Hà Nội.
Hiện lưu lượng giao thông qua cầu hiện đã gấp khoảng 8 lần so với thiết kế ban đầu. Đây được coi là 1 trong những nguyên nhân thường xuyên gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm và tai nạn giao thông.
Ngọc Trang