Tính đến hết quý 1 năm 2025, TPHCM đã hoàn thành 16 dự án với 395 phòng học trong Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự kiến đến cuối năm nay, thành phố sẽ hoàn thành thêm 44 dự án với 839 phòng học. Sang năm 2026, tiếp tục hoàn tất 60 dự án, bổ sung thêm 1.402 phòng học.
Hiện còn 156 dự án tương ứng 3.274 phòng học đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Ngoài ra, từ đầu năm 2024, TPHCM đã đưa vào sử dụng khoảng 1.430 phòng học mới, trong đó có 164 phòng từ ngân sách và 1.266 phòng từ nguồn xã hội hóa.
Học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TPHCM) trong một tiết học. Ảnh: A.N.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT TPHCM, đánh giá tiến độ thực hiện đề án còn chậm, đến cuối năm 2025 dự kiến chỉ có khoảng 2.000 phòng học được đưa vào sử dụng, đạt khoảng 50% kế hoạch. Trong số này, có 1.200 phòng từ đầu tư công và 800 phòng từ xã hội hóa.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do vướng mắc về pháp lý và thủ tục đầu tư. Những thay đổi trong quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công, quy hoạch, đất đai, môi trường... đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Nhiều công trình phải trải qua quy trình thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp, trong khi giá cả biến động làm tăng nhu cầu vốn đầu tư.
Ngoài ra, tại các khu dân cư mới, nhiều chủ đầu tư chậm triển khai hạng mục trường học dù đã cam kết. Họ chủ yếu ưu tiên xây nhà ở, hạ tầng kỹ thuật để nhanh thu hút dân, gây áp lực lên hệ thống trường lớp hiện hữu. Hiện TPHCM chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp này.
Ông Huy nói thêm, TPHCM đã bố trí hơn 18.288 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục trong giai đoạn 2021–2025, chiếm khoảng 10,6% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố. Mặc dù tiến độ chậm, nhiều quận, huyện có áp lực lớn về chỗ học đã chủ động ưu tiên quỹ đất sạch để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Vị đại diện Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị thành phố cần có giải pháp xử lý dứt điểm những nhà đầu tư không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy hoạch, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của đề án đúng tiến độ.
TPHCM triển khai đề án xây dựng 4.500 phòng học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng. Số dự án này được chia thành ba nhóm, gồm: các trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn, thuận lợi về thủ tục hồ sơ; các công trình mới có tính khả thi và nhóm công trình thuận lợi về pháp lý, đất đai, có thể tháo gỡ các vấn đề liên quan để đẩy nhanh đầu tư.
Ngoài ra, thành phố kêu gọi xã hội hóa 110 dự án với hơn 2.300 phòng học, số vốn lên đến hơn 541.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng, quản lý, vận hành), cho vay kích cầu, đầu tư xã hội hóa.
Anh Nhàn