Đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu công chứng các địa phương
Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi làm việc với Cục Bổ trợ Tư pháp về cơ sở dữ liệu công chứng điện tử.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Thúy Lan - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, việc xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng của Bộ Tư pháp gồm: các tính năng đáp ứng yêu cầu của Luật Công chứng 2024; đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu công chứng các địa phương và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan, để cung cấp thông tin, bảo đảm bí mật thông tin cá nhân và phục vụ tốt yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
Cục Bổ trợ Tư pháp đề xuất xây dựng Nền tảng công chứng điện tử và Cổng tham chiếu dữ liệu công chứng.
Để đáp ứng kịp tiến độ theo yêu cầu đặt ra, Cục Bổ trợ Tư pháp đề xuất phương án sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên hoặc có sự hỗ trợ, đồng hành của doanh nghiệp, đối tác công nghệ trong xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng.
Đồng thời, xây dựng, quy định nội dung dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu tại các địa phương, bảo đảm kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu địa phương với cơ sở dữ liệu Bộ Tư pháp; xây dựng Nền tảng công chứng điện tử và Cổng tham chiếu dữ liệu công chứng…
Phải đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu công chứng trong năm 2025
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá, tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của Cục Bổ trợ Tư pháp vẫn còn chậm.
“Trong năm 2025, phải hoàn thiện sản phẩm và đưa vào vận hành. Các đơn vị liên quan cần tập trung cao độ, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận”, ông Khôi yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, cần xây dựng một nền tảng phần mềm công chứng điện tử dùng chung, thống nhất cho toàn quốc. Ảnh: MOJ
Cũng theo Thứ trưởng, hiện hầu hết các địa phương chưa có hệ thống công chứng điện tử, gần như xuất phát từ con số 0. Bởi vậy, cần xây dựng một nền tảng phần mềm công chứng điện tử dùng chung, thống nhất cho toàn quốc. Hệ thống này phải bảo đảm tính tiêu chuẩn, cho phép chia sẻ dữ liệu công chứng giữa các địa phương. Với những địa phương đã có phần mềm riêng, nếu hệ thống đó đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Tư pháp ban hành, thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng để đảm bảo tính kết nối và đồng bộ.
Bên cạnh đó, phần mềm công chứng điện tử cần được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nền tảng dùng chung sẽ cho phép công chứng viên thao tác trực tiếp trên hệ thống để lập và lưu trữ văn bản công chứng; tạo số liệu thống kê, hình thành cơ sở dữ liệu theo từng công chứng viên, tổ chức hành nghề và địa phương, đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu công chứng do Bộ Tư pháp quản lý.
Theo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, việc triển khai nền tảng cần dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng, trong đó quy định cụ thể về cơ chế tài chính, quyền sở hữu trí tuệ và trách nhiệm của các bên tham gia. Cục Công nghệ Thông tin, Cục Bổ trợ Tư pháp và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu. Mỗi đơn vị, cá nhân cần được giao nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.
Các địa phương cần nghiên cứu theo hướng một doanh nghiệp công nghệ sẽ đầu tư xây dựng nền tảng công chứng điện tử dùng chung và thu phí từ người sử dụng, hướng tới xã hội hóa công chứng toàn bộ.
Liên quan đến khắc phục các bất cập về công chứng, đồng thời để triển khai nhiều quy định mới tại Luật Công chứng năm 2024, cũng như hoàn thiện quy định về công chứng điện tử..., Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình số 33/TTr-BTP ngày 25/3/2025 về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng với nhiều nội dung mới về: cách thức tạo lập văn bản công chứng điện tử, việc ký văn bản công chứng điện tử, sửa lỗi kỹ thuật...
Hữu Hòe