Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ đã góp phần giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiến tới khám, chữa bệnh dùng bệnh án điện tử.
Biểu tượng của ứng dụng PC-COVID và Sổ sức khỏe điện tử. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN
Ngành Y tế Tiền Giang đã tập trung đẩy mạnh
chuyển đổi số ở một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh
như: Triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân có gắn chíp; liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng giám định bảo hiểm y tế. Đặc biệt bước đầu, một số bệnh viện đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong hoạt động khám, chữa bệnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Mắt…, hỗ trợ bác sĩ, bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị.
Đến nay, Tiền Giang có 100% trạm y tế xã được đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông từ xã, phường đến tuyến huyện, tỉnh và Trung ương. Tỉnh ứng dụng các phần mềm quản lý khám, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, tiêm chủng; quản lý các bệnh không lây, dịch bệnh… Địa phương đã ứng dụng chuyển đổi số trong đăng ký khám, chữa bệnh bằng Căn cước công dân, ứng dụng VneID, thanh toán không dùng tiền mặt qua, POS, chuyển khoản…
Tiêu biểu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang triển khai Đề án Xây dựng bệnh án điện tử nhằm hướng đến bệnh viện không giấy, một hệ thống y tế thông minh nhằm giảm thiểu tối đa thời gian viết tay hồ sơ bệnh án, bác sĩ dành nhiều thời gian hơn để phục vụ bệnh nhân. Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế có thể tối ưu hóa quy trình làm việc của nhân viên y tế. Hệ thống hẹn lịch trực tuyến, tư vấn y tế từ xa giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho bác sĩ và bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hỗ trợ quản lý kho thuốc, theo dõi dược phẩm cùng quy trình giao nhận, tăng cường hiệu suất, giúp giảm thiểu sai sót…
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được thăm khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Dương, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống trong cả nước. Tiền Giang sẽ sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện bằng sổ sức khỏe điện tử; phấn đấu 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc triển khai phần mềm lưu trú ASM.
Ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu, ngành Y tế địa phương đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh, phòng bệnh và quản lý sức khỏe người dân dựa trên các nền tảng công nghệ. Đây được xem là thành phần cốt lõi nhất trong phát triển y tế thông minh, cần thực hiện thống nhất, đồng bộ trong các hoạt động của ngành. Đặc biệt, ngành cần có kế hoạch phát triển chuyển đổi số cụ thể theo lộ trình từ bệnh viện đa khoa đến chuyên khoa, từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã để đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn, quản lý tốt sức khỏe của người dân…
Hữu Chí