Tiền Giang khuyến nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT bằng hình thức livestream bán hàng nộp thuế

Tiền Giang khuyến nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT bằng hình thức livestream bán hàng nộp thuế
4 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian gần đây các hình thức livestream được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng khá phổ biến và rộng rãi để hỗ trợ cho việc kinh doanh do những tính năng nổi bật của hình thức này như tiếng động, hình ảnh, hoạt động giao tiếp trực tiếp giữa người bán và người mua qua mạng internet.
Theo quy định pháp luật thuế hiện hành, việc kê khai, nộp thuế của các bên liên liên quan trong phiên livestream như sau:
Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream: thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Các cá nhân khác (blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, …) được trả hoa hồng từ việc thực hiện livestream bán hàng. Các cá nhân này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 07 bậc (từ 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%).
Trường hợp khoản hoa hồng này được trả cho đối tượng là hộ cá nhân (HKD) thì được tính là doanh thu từ hoạt động kinh doanh nếu HKD có đăng ký kinh doanh với ngành nghề phù hợp, có đăng ký thuế HKD và đang được CQT quản lý thuế theo hình thức hộ khoán ổn định hoặc là hộ kê khai, trường hợp này HKD khai nộp thuế theo mức thuế 7% (bao gồm: 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN).
Đối với các trường hợp cá nhân hưởng hoa hồng thuộc diện điều chỉnh thuế TNCN từ tiền lương tiền công, các tổ chức, doanh nghiệp chi trả hoa hồng có trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo quy định.
Hiện nay, Cơ quan Thuế gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý thu thuế đối với hình thức bán hàng livestream như:
Việc đưa vào quản lý thuế đối với các KOL (Người có sức ảnh hưởng), KOC (Người tiêu dùng chủ chốt), Youtuber, Tiktoker và người nổi tiếng nhận thu nhập từ việc thực hiện review, quảng cáo và có các phiên livestream lớn để bán các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội còn gặp khó khăn.
Hoạt động bán hàng từ lĩnh vực livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… đang thành xu hướng kinh doanh mới, tuy nhiên với sự hỗ trợ của công nghệ thì nhiều phiên livestream diễn ra tự phát và kết thúc nhanh chóng, khi xong là người livestream xóa đường link. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý xác định thông tin của đơn vị livestream và giá trị hàng hóa giao dịch qua phiên livestream.
Đối với người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử có thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận thu hộ tiền bán hàng (COD), cơ quan thuế đề nghị các đơn vị giao nhận này cung cấp danh sách người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử (chi tiết theo: tên doanh nghiệp, cá nhân; mã số thuế; số tiền thu hộ, hợp đồng thuê các đơn vị giao nhận thu hộ tiền,…) nhưng các đơn vị giao nhận chưa cung cấp hoặc có cung cấp nhưng không đầy đủ thông tin.
Do đó, việc xác định được chính xác tên tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung hay người bán hàng qua hình thức livestream nói riêng để quản lý thuế TMĐT theo quy định hiện hành là khó khăn cho Cơ quan thuế.
Khi xác định được các đối tượng bán hàng qua hình thức livestream và các đối tượng này được Cơ quan thuế thông báo để làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các đối tượng không hợp tác hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin liên quan đến doanh thu, số lượng đơn hàng, loại mặt hàng,… Do đó, rất khó khăn cho Cơ quan thuế địa phương trong việc xác định doanh thu và số thuế phải nộp, tốn nhiều nguồn nhân lực trong việc rà soát, kiểm tra và xác định.
Cơ quan thuế có thông tin về NNT có hoạt động bán hàng qua hình thức livestream, có thông tin số tài khoản ngân hàng của NNT, thực hiện văn bản đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin.
Trong khi có nhiều tài khoản ngân hàng của người nộp thuế mà cơ quan thuế chưa có được, dẫn đến rủi ro có thể xử lý thuế khi chưa có đủ nguồn thu từ NNT, một số trường hợp ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan thuế khi muốn cung cấp thông tin giao dịch của NNT phải đính kèm kế hoạch thanh tra, kiểm tra hay quyết định kiểm tra/ thanh tra NNT kèm theo. Điều này gây khó khăn cho cơ quan thuế trong thu thập thông tin của NNT có hoạt động TMĐT.
Qua đó, Cục Thuế tỉnh Tiền Giang đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử bằng hình thức livestream tự nguyện tuân thủ quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện người nộp thuế không tuân thủ quy định, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu cố ý vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, ngành Thuế tỉnh Tiền Giang cũng khuyến nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh hãy tự giác, chủ động đăng ký, kê khai và nộp thuế khi thực hiện kinh doanh để góp phần minh bạch, công bằng trong kinh doanh; tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của đất nước.
Quốc Lâm
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tien-giang-khuyen-nghi-cac-to-chuc-ca-nhan-kinh-doanh-tmdt-bang-hinh-thuc-livestream-ban-hang-nop-thue-d53856.html