Tiền Giang nêu lý do lấy tên Đồng Tháp sau khi sáp nhập tỉnh

Tiền Giang nêu lý do lấy tên Đồng Tháp sau khi sáp nhập tỉnh
4 giờ trướcBài gốc
Theo đó, trong văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị địa phương này đóng góp ý kiến dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất đặt tên tỉnh mới là Đồng Tháp bởi đây là tên có tính thương hiệu cao, đại diện cho đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười gắn liền với đặc trưng sinh thái - văn hóa của cả 2 tỉnh.
TP Mỹ Tho sẽ là trung tâm hành chính của tỉnh mới sau sáp nhập.
Đồng thời, việc sử dụng tên gọi này không chỉ đảm bảo tính tiếp nối, dễ nhận diện, dễ nhớ, mà còn góp phần hạn chế tối đa các xáo trộn về giấy tờ hành chính, thông tin địa lý, giúp tiết kiệm ngân sách, thời gian và công sức cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng nêu 3 lý do chọn TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để làm trung tâm hành chính của tỉnh sau sáp nhập.
Thứ nhất, kế thừa yếu tố lịch sử, truyền thống. Vào cuối thế kỷ thứ XVII, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Dấu ấn của đô thị Mỹ Tho trong lịch sử hình thành và phát triển 346 năm qua là phố thị, là những công trình kiến trúc, công trình quân sự…
Những dấu ấn này nói lên sự phồn thịnh và vài trò của Mỹ Tho trong mối tương quan với những vùng đất mới. Xuyên suốt từng giai đoạn lịch sử phát triển, Mỹ Tho luôn được chọn là trung tâm hành chính - chính trị của vùng.
Mỹ Tho cũng là thành phố trực thuộc tỉnh loại 1 đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do đó, TP Mỹ Tho có vị thế, vai trò trung tâm hành chính, chính trị quan trọng của địa phương, có bề dày quản lý và hạng tầng hành chính. Từ đó đến nay, TP Mỹ Tho luôn được quan tâm tập trung đầu tư phát triển nhất là hạ tầng, quy hoạch và đầu tư khu hành chính cấp tỉnh, đảm bảo khi hợp nhất tỉnh mới có đi vào hoạt động ổn định ngay.
Trung tâm hành chính công được vận hành từ năm 2019, là nơi đặt trụ sở của các sở, ngành tỉnh với tổng diện tích sàn 31.784 m vuông, đáp ứng nhu cầu làm việc của hơn 1.000 công chức, viên chức…
Thứ 2, vị trí địa lý thuận lợi trong việc kết nối giao thông và liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. TP Mỹ Tho nằm ở cửa ngõ ĐBSCL với vùng TPHCM, vùng Đông Nam bộ và cả nước. Đây là đô thị lớn đầu tiên trên tuyến giao thương từ vùng TPHCM, vùng Đông Nam bộ vào miền Tây, giúp điều phối hoạt động kinh tế - hành chính trong toàn vùng.
TP Mỹ Tho nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Tiền Giang, cách TPHCM 73km, Cần Thơ 97km, TP Bến Tre 13km, TP Vĩnh Long 65km, TP Cao Lãnh 94km...
Thứ 3, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài, bền vững. Theo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, xác định Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ, thương mại, logistics, du lịch khu vực phía Bắc sông Tiền, đô thị cửa ngõ giữa vùng TPHCM và vùng ĐBSCL; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ du lịch miệt vườn.
Ngoài ra, TP Mỹ Tho - đô thị trung tâm của tỉnh Tiền Giang đã được quy hoạch mở rộng với khu hành chính trung tâm. Hệ thống giao thông kết nối hoàn chỉnh và hạ tầng đô thị hiện đại, đáp ứng các tiêu chí để trở thành trung tâm điều hành hành chính - kinh tế của tỉnh mới.
Theo đó việc đặt trung tâm hành chính - chính trị tại TP Mỹ Tho không chỉ phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng ĐBSCL, vùng TPHCM mà còn khai thác tối đa lợi thế kinh tế, hạ tầng và khả năng kết nối, giúp bộ máy hành chính vận hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực quản lý đồng bộ, toàn diện, hiệu quả toàn tỉnh.
Sau khi sáp nhập, tổng diện tích tỉnh mới sẽ đạt gần 6.000 km², dân số trên 4,2 triệu người.
Tấn Minh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tien-giang-neu-ly-do-lay-ten-dong-thap-sau-khi-sap-nhap-tinh-post1736118.tpo