Một số diện tích lúa thu đông tại các huyện phía Đông thu hoạch muộn.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong tuần giữa tháng 12, triều cường rằm tháng 11 kết hợp với gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên mặn trên sông Tiền tăng nhanh đạt mức cao vào ngày 13-12-2024. Độ mặn cao nhất tại cống Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo (cách cửa sông khoảng 42 km) đo được 0,43 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2015, năm 2022, năm 2023 là 0,43 g/l; thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 2,07 g/l.
Đến ngày 23-12-2024, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên mặn tiếp tục tăng cao trở lại xâm nhập sâu vào nội đồng vượt qua cống Xuân Hòa đến cửa rạch Bảo Định thuộc địa phận phường 1, TP. Mỹ Tho (cách cửa sông 45 km).
Đến sáng ngày 28-12-2024, độ mặn tại cửa rạch Bảo Định đo được là 0,61 g/1 (cao hơn so với cùng kỳ các năm 2015 và 2023 là 0,61 g/l). Hiện nay, gió mùa Đông Bắc vẫn tiếp tục hoạt động mạnh kết hợp với triều cường đầu tháng 12 âm lịch nên mặn khả năng sẽ duy trì ở mức cao; sau đó giảm theo triều và sẽ tăng lại theo kỳ triều cường tiếp theo.
Theo dự báo, khả năng những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2-2025, độ mặn hơn 1 g/l sẽ xâm nhập đến khu vực xã Xuân Đông và duy trì trong thời gian dài. Do đó, cống Xuân Hòa khả năng chuyển sang vận hành lấy gạn, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.
Đến ngày 27-12-2024, vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh xuống giống 39.559 ha/41.000 ha, đạt 96,5% kế hoạch. Trong đó, các huyện phía Đông xuống giống đến nay là 19.713 ha/19.640 ha, đạt 100,4% kế hoạch (lúa giai đoạn mạ 9.610 ha, đẻ nhánh 8.678 ha, làm đòng 1.425 ha); diện tích chưa xuống giống 860 ha (huyện Chợ Gạo 65 ha, Gò Công Tây 77 ha, Gò Công Đông 156 ha và TP. Gò Công 562 ha).
Để ứng phó tốt với hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân 2024 - 2025 an toàn, UBND tỉnh giao UBND các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TP. Gò Công phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tuyên truyền vận động người dân không tiếp tục gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024 - 2025; khuyến cáo chuyển sang cây trồng cạn đối với diện tích chưa gieo sạ, để đảm bảo sản xuất an toàn.
Các địa phương thông tin về diễn biến bất thường của xâm nhập mặn hiện nay và tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục xuống giống qua hệ thống Đài Truyền thanh huyện và các xã. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều biện pháp không để người dân tiếp tục xuống giống.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình hạn, xâm nhập mặn, kịp thời hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm và thực hiện các giải pháp canh tác lúa trong điều kiện hạn, mặn theo khuyến cáo…
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn, mặn; thông báo tình hình diễn biến mặn, mực nước và vận hành công trình trong ngày trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để nhân dân biết, chủ động sản xuất.
Đồng thời, đánh giá tình hình nguồn nước trên sông, kinh, rạch và nội đồng để thông báo kịp thời cho các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị có liên quan và nhân dân biết, có biện pháp chỉ đạo, ứng phó.
Đặc biệt là hướng dẫn, theo dõi, giám sát, chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất lúa đông xuân 2024 - 2025 tại các huyện phía Đông.
UBND tỉnh cũng giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang khẩn trương thực hiện việc sửa chữa các công trình cống đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả.
Công việc quan trọng là phối hợp với các địa phương trong triển khai phương án ứng phó hạn, xâm nhập mặn; xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước tưới để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý; quản lý phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.
Ý PHƯƠNG