Tiền Giang nỗ lực phòng chống sạt lở bờ sông Phú An

Tiền Giang nỗ lực phòng chống sạt lở bờ sông Phú An
4 phút trướcBài gốc
Sông Phú An là một trong số các tuyến giao thông thủy trọng yếu ở khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Gần đây, tình hình sạt lở 2 bên bờ sông này diễn biến phức tạp. Chính quyền, người dân địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống sạt lở, ổn định giao thông và an toàn tính mạng con người.
Tháng 7 năm ngoái, một đoạn hơn 200 mét bờ Tây sông Phú An (ấp 6, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) bị sạt lở nghiêm trọng uy hiếp nhiều nhà ở của người dân ven đê. Sạt lở đã cắt đứt đường giao thông cũng là tuyến đê ngăn lũ, triều cường nơi đây. Bằng nguồn ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng, địa phương đã tổ chức thi công đóng cọc làm kè rọ đá, gia cố lại mặt đê và đến nay công trình này đang giai đoạn hoàn thiện. Người dân vùng sạt lở rất phấn khởi vì không phải di dời nhà ở mà còn có con đường giao thông xây mới khang trang.
Ông Phạm Văn Tới - người dân ấp 6 xã Phú An cho biết: “Mới đầu khi xảy ra sạt lở, người dân ai cũng sợ hết, mấy tháng sau đơn vị thi công vô làm nhanh lắm, nay tương đối ổn, người dân ai cũng mừng hết. Bây giờ chỉ còn đổ đá nữa là xong, con đường đê này ổn rồi”.
Sông Phú An "điểm nóng" về sạt lở hai bên bờ
Còn bà Ngô Thị Hoằng, người dân vùng sạt lở cũng phấn khởi: “Trước đây khi sạt lở tối lặng ngắt luôn, không có ai qua lại, không có tiếng xe chạy buồn hết sức buồn. Bây giờ đỡ rồi, công trình gần hoàn chỉnh, ban đêm xe chạy nhiều lắm. Tôi thấy nhà thầu thi công tốc độ nhanh lắm, dân vui vẻ, xe chạy được là mừng lắm”.
Sông Phú An dài khoảng 9 km kéo dài từ thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè) đến địa phận xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy). Đặc thù của tuyến đường thủy này là có nhiều đoạn uốn cong, mật độ phương tiện thủy lưu thông rất cao nên dòng nước chảy xiết, gây ra sạt lở ven bờ nặng nề.
Đoạn sạt lở "hàm ếch" tại ấp 6 xã Phú An đã được khắc phục
Từ nguồn kinh phí của huyện và tỉnh đang đầu tư khắc phục 5 điểm sạt lở lớn tại địa bàn xã Phú An. Ngoài ra, ven sông này còn có 19 điểm đang bong nứt có nguy cơ tiếp diễn sạt lở với chiều dài gần 500 mét; trong đó có nhiều điểm có mức độ nghiêm trọng nhất với chiều dài đoạn sạt lở từ 35- 50 mét, nghiêng lún mặt đường tại ấp 1, ấp 2 cần được khắc phục khẩn cấp.
Thời gian qua, các điểm sạt lở nhỏ ven bờ sông, chính quyền xã Phú An và người dân địa phương đã tự gia cố, ngăn chặn sự cố này tiếp diễn. Ông Lý Thái Trường Bí thư Đảng ủy xã Phú An cho biết thêm: “Chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân để thực hiện các biện pháp làm kè mềm như trồng lục bình, cây bần cây dừa… để bảo vệ. Địa phương cũng đề xuất cấp trên tiếp tục đầu tư kinh phí để gia có các điểm đã sạt lở và các điểm có nguy cơ sạt lở. Nếu chậm làm việc này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông tại địa phương, người dân đi lại rất khó khăn khi xảy ra sạt lở”.
Người dân vùng sạt lở đã phấn khởi khi có tuyến kè khá vững chắt
Tỉnh Tiền Giang có mật độ sông rạch rất cao, ngoài nhiệm vụ cung cấp, thoát nước còn là tuyến giao thông thủy trọng yếu. Dọc theo các sông rạch là tuyến đê kết hợp đường giao thông, có nhiều nhà ở của người dân. Do đó vấn đề sạt lở bờ sông rạch có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh. Đối với sông Phú An rất cần được sự quan tâm, đầu tư phòng chống sạt lở tiếp tục, nhất là các điểm xung yếu để bảo vệ an toàn tính mạng người dân và các công trình hạ tầng giao thông hiện hữu.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/tien-giang-no-luc-phong-chong-sat-lo-bo-song-phu-an-post1138585.vov