Tiền Giang: Phối hợp phát triển kinh tế tập thể hiệu quả

Tiền Giang: Phối hợp phát triển kinh tế tập thể hiệu quả
18 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội nghị.
Theo liên ngành, giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh Tiền Giang thành lập mới 104 HTX với 2.927 thành viên, vốn góp đạt 136,93 tỷ đồng; giải thể 52 HTX. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 275 HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân, đạt 100,7% kế hoạch năm 2024.
Tổng vốn điều lệ của HTX đạt hơn 1.498 tỷ đồng; tổng nguồn vốn hoạt động đạt trên 6.238 tỷ đồng. Tổng doanh thu cuối năm 2024, ước đạt hơn 2.967 tỷ đồng, tăng 5,51%; tổng lợi nhuận ước đạt 54,8 tỷ đồng.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú phát biểu tại hội nghị.
Các HTX có khoảng 97.579 thành viên; tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 32.257 người. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt khoảng 80,6 triệu đồng/người/năm…
Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập phát biểu tại hội nghị.
Tổng số HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động điều hành và sản xuất kinh doanh là 57 HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân; có 26 HTX với 39 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh thành lập mới 2 tổ hợp tác, có 21 tổ hợp tác giải thể. Hiện nay, toàn tỉnh có 306 tổ hợp tác.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, liên ngành đã tích cực tham mưu các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về KTTT, HTX. Liên ngành đã phối hợp tổ chức 163 lớp tuyên truyền chính sách pháp luật về KTTT, HTX với 8.325 lượt người tham dự.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang Lê Minh Khánh báo cáo kết quả phối hợp liên ngành.
Một trong những nội dung quan trọng là triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX như: Thành lập mới, củng cố HTX; nâng cao năng lực, nhận thức cho các HTX; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; chính sách tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; chính sách đất đai; hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới và liên kết tiêu thụ.
Liên ngành còn thực hiện thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX; hỗ trợ các HTX nông nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị.
Các HTX phát biểu về tình hình sản xuất, kinh doanh tại hội nghị.
Theo đánh giá, giai đoạn 2019 - 2024, sự phối hợp giữa Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh đã tạo nên những thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy KTTT và HTX phát triển.
Đây là mô hình phối hợp thực tế, linh hoạt với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 cơ quan đã đảm bảo các chính sách hỗ trợ KTTT được thực thi hiệu quả. Các HTX được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn ưu đãi, đất đai, kỹ thuật, hỗ trợ hạ tầng, xúc tiến thương mại…
Qua đó, giúp HTX giải quyết được những khó khăn cơ bản và mở rộng quy mô hoạt động. Sự phối hợp giữa 3 ngành đã tạo ra những bước tiến lớn trong phát triển KTTT. Đây là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác liên ngành trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của HTX và cải thiện chất lượng đời sống người dân.
Ký kết phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong công tác phối hợp, những thuận lợi khó khăn và những định hướng thúc đẩy phối hợp phát triển KTTT trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú cho biết, qua hội nghị này, liên ngành đã cùng nhau rút ra những bài học quan trọng, định hướng cho sự phát triển của KTTT trong giai đoạn tới.
Một trong những bài học lớn nhất là phải tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX thay vì chỉ chạy theo số lượng. Việc phát triển các mô hình HTX bền vững, có khả năng thích nghi với thị trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp và người nông dân cần được chú trọng hơn nữa. Các chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cần được xây dựng một cách bài bản, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt. Các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ và xây dựng thương hiệu cần được triển khai rộng rãi để nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTX. Đồng thời, việc thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia vào các HTX là một nhiệm vụ cần thiết, mang lại sức sống mới cho các mô hình KTTT.
Liên ngành cũng không thể bỏ qua vai trò của chính sách hỗ trợ; rà soát và hoàn thiện các chính sách về vốn, đất đai và xúc tiến thương mại sẽ giúp các HTX vượt qua khó khăn, phát triển bền vững…
M. THÀNH
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/kinh-te/202412/tien-giang-phoi-hop-phat-trien-kinh-te-tap-the-hieu-qua-1030202/