Tiền Giang: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông

Tiền Giang: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông
2 giờ trướcBài gốc
GIAO THÔNG MỞ ĐƯỜNG
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền” là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh Tiền Giang.
Dựa trên những chủ trương lớn này, qua triển khai thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã và đang được các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo, Quốc lộ 50, cầu Mỹ Lợi, Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) và phát triển hệ thống đường giao thông đô thị, đường giao thông nông thôn nhằm từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và xây dựng nông thôn mới.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được tập trung đầu tư trong thời gian qua.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực vận tải tăng qua các năm, cụ thể: Khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng bình quân 7,4%/năm; luân chuyển hàng hóa tăng bình quân 5,9%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách tăng bình quân 5,7%/năm; luân chuyển hành khách tăng bình quân 6,2%/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, công tác phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua vẫn còn một số khó khăn như: Hầu hết đường tỉnh, đường huyện có mặt đường chỉ rộng từ 5,5 m đến 7 m, được láng nhựa đã lâu, trung bình khoảng từ 5-10 năm, cùng với một số cầu, cống trên tuyến chưa đồng bộ về quy mô, tải trọng với đường đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng khai thác, kết nối liên vùng, phát triển du lịch và thu hút đầu tư; hệ thống giao thông đô thị chưa phát triển tương xứng với quy mô và loại đô thị, nhất là các tuyến đường trục chính.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; ngân sách nhà nước để thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, trùng tu, đại tu hệ thống cầu đường chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn dẫn đến tình trạng công trình bị giảm tuổi thọ, nhanh xuống cấp. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, phát triển ngành Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, hệ thống vận tải công cộng tuy có phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; chưa hình thành các trung tâm logistics.
Để tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác phát triển giao thông vận tải trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm chung là phát triển giao thông vận tải của tỉnh trên cơ sở phù hợp với định hướng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng trưởng xanh để phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế biển và phục vụ đời sống nhân dân.
Đồng thời, Tiền Giang cũng xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp, trước hết là trong thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư; bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang sẽ huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tiền Giang sẽ ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn, tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế từng vùng trong tỉnh.
TIẾP TỤC HOÀN THIỆN
Thực hiện chủ trương đã đề ra, trong thời gian tới Tiền Giang sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, đối với lĩnh vực đường bộ, Tiền Giang sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan để triển khai tốt các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng để đến năm 2030 đưa vào khai thác đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; hoàn thành dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Tiền Giang; khởi công dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; khởi công Trục động lực TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang (Quốc lộ 50B); nâng cấp quản lý ba tuyến đường địa phương thành quốc lộ (Quốc lộ 30B, Quốc lộ 30C, Quốc lộ 62).
Đường tỉnh 864 dần hoàn thiện.
Phấn đấu đến năm 2030, Tiền Giang xây dựng mới ít nhất 55 km đường tỉnh và mở rộng đạt quy mô theo quy hoạch ít nhất 60 km đường tỉnh; xây dựng mới mặt đường bê tông nhựa nóng đạt 50% chiều dài hệ thống đường tỉnh để nâng cao chất lượng khai thác; xây mới hoặc nâng cấp 100% số cầu, đảm bảo đồng bộ quy mô, tải trọng với đường trên hệ thống đường tỉnh; khởi công xây dựng cảng biển tổng hợp trên sông Soài Rạp. Hình thành ít nhất một trung tâm logistics cấp tỉnh. Theo đó, khối lượng vận tải hàng hóa vận chuyển tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 11,16%/năm; khối lượng vận tải hành khách tăng bình quân giai đoạn đạt 7,58%/năm...
Ngoài ra, Tiền Giang sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các tuyến đường trục chính, đường vành đai để phát triển giao thông đô thị, các công trình có quy mô đầu tư lớn, tính chất kết nối liên vùng, kết nối trung tâm kinh tế, trong đó tập trung xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác các công trình trọng điểm như: Đường dọc sông Tiền (Đường tỉnh 864); Đường vào Đồng Tháp Mười; Đường tỉnh 877C song hành với Quốc lộ 50; xây dựng cầu Đồng Sơn kết nối tỉnh Long An; nâng cấp bến phà Bình Ninh qua huyện Tân Phú Đông.
Trên lĩnh vực đường thủy, Tiền Giang sẽ khai thác tối đa lợi thế giao thông đường thủy nội địa để xây dựng và phát triển hệ thống cảng chuyên dùng, cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở khu bến Mỹ Tho trên sông Tiền đến Vàm Kỳ Hôn, khu bến Gò Công trên sông Soài Rạp đến cửa biển và sông Vàm Cỏ; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy là trọng tâm. Xây dựng cảng biển tổng hợp trên sông Soài Rạp.
Riêng trên lĩnh vực đường sắt, Tiền Giang sẽ chủ động, sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ đoạn qua tỉnh Tiền Giang; đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng của quỹ đất xây dựng ga trên tuyến để phát triển đô thị, lấy giao thông công cộng làm trung tâm theo hướng mô hình TOD...
TA
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/kinh-te/202409/tien-giang-tap-trung-phat-trien-ha-tang-giao-thong-1022036/