Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là một nội dung quan trọng trong công tác cải cách TTHC. Theo đó, Tiền Giang đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.
Người dân đến làm các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang.
Thực tế cho thấy, việc thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, với sự bố trí không gian hiện đại, tập trung đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức như: Trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến; hướng dẫn kê khai hồ sơ tận tình, chu đáo, dễ hiểu... đang là yêu cầu đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong giải quyết TTHC.
UBND tỉnh tích cực triển khai xây dựng nền tảng chính quyền điện tử, đảm bảo cơ sở vững chắc khi chuyển đổi sang chính quyền số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phải gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với CCHC, đổi mới lề lối phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý.
Đặc biệt, với sự hoạt động hiệu quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức.
UBND tỉnh đã công bố các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm từng bước phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành với doanh nghiệp, hợp tác xã, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để trao đổi, nắm tình hình hoạt động, kiến nghị khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và bàn giải pháp tháo gỡ.
Để cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh tập trung rà soát nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. Cùng với sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo, quán triệt chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và đạo đức công vụ, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Những danh mục TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần thường xuyên được rà soát, hoàn thiện. Trong đó, tập trung vào nhóm thủ tục liên quan đến doanh nghiệp hoặc các thủ tục có thành phần hồ sơ đơn giản, có tần suất giao dịch cao.
Đẩy mạnh thực hiện rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết; giảm phí, lệ phí TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện truy cập khác nhau; cải thiện và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.
CHÍNH QUYỀN THÂN THIỆN, CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Để loại bỏ những “rào cản” giữa công dân với chính quyền, các địa phương đã triển khai nhiều sáng kiến trong CCHC, nổi bật là các mô hình “Tổng đài hỗ trợ giải quyết TTHC”, “Ngày không viết”, “Làm hết việc chứ không hết giờ”, “Ngày thứ bảy tình nguyện giúp nhân dân giải quyết TTHC”...
Ngoài mục tiêu “3 giảm” là giảm thời gian đi lại, giảm thời gian chờ đợi và giảm chi phí giải quyết TTHC, những mô hình này còn khắc phục đáng kể tình trạng trả hồ sơ không đúng hẹn và thể hiện văn hóa ứng xử thân thiện của CBCCVC khi phục vụ nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Bắt đầu từ cơ sở, việc xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực CCHC. Chỉ cần đến bộ phận “một cửa” một lần là có thể giải quyết cùng lúc 3 TTHC gồm đăng ký khai sinh, nhập khẩu cho trẻ sơ sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Đó là tính ưu việt của mô hình “3 trong 1” được bộ phận “một cửa” UBND các xã, thị trấn triển khai từ nhiều năm nay.
Tiền Giang xác định tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác CCHC nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, tổ chức bộ máy, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện mức độ hài lòng của người dân, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số cấp tỉnh.
“Nếu như trước đây, chúng tôi phải đi lại nhiều lần mới làm được giấy khai sinh, nhân khẩu và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ, thì nay chỉ cần đi một lần là làm xong cả 3 thủ tục, rất tiện lợi cho người dân”, đây là nhận xét chung của nhiều người dân khi đến UBND xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo làm TTHC.
Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Lê Anh Thủy cho biết: “Cán bộ bộ phận “một cửa” hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người dân. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu mỗi công chức phải không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa giao tiếp, ứng xử để phục vụ nhân dân.
Khi giải quyết TTHC, nếu người dân chưa hiểu thì phải giải thích cặn kẽ; còn nếu hồ sơ không thuộc thẩm quyền thì phải hướng dẫn tận tình, chu đáo để người dân liên hệ đến cơ quan chức năng khác giải quyết”.
Tại bộ phận “một cửa”, các cơ quan, đơn vị đã niêm yết số điện thoại, thư điện tử để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp khó khăn, vướng mắc. Quán triệt cán bộ, công chức nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ, đề cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ của công chức đối với người dân, tổ chức; đồng thời, hướng dẫn tận tình và chính xác khi tiếp nhận và giải quyết TTHC…
Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm thủ tục đổi giấy phép lái xe, chị Thúy Vân cho biết: “Khi đến trung tâm làm thủ tục đổi giấy phép lái xe, ngay từ cửa vào, tôi được hướng dẫn ra máy lấy số xếp hàng, chỉ cần ấn nút vào lĩnh vực mình cần giải quyết TTHC, rồi ra ghế ngồi chờ, khi được gọi tên thì vào làm các thủ tục.
Nhờ có sự hướng dẫn tận tình, việc giải quyết thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đúng trình tự, nhanh chóng và thuận lợi. Cùng với việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại, công khai các TTHC, tinh thần, thái độ phục vụ của các cán bộ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC của trung tâm rất chuẩn mực”.
Đặc biệt, để tạo dựng niềm tin trong nhân dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn quy định về công khai kết quả cũng như xin lỗi trong giải quyết TTHC. Sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện CCHC đã giúp cho chất lượng phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn. Điều này không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử, mà sau lời xin lỗi và sự cầu thị sửa sai sẽ xóa đi được nhiều tâm tư, bức xúc của người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ, các đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở phải thường xuyên tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp thông qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp… để kịp thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải thiện các quy trình thủ tục, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết công việc có liên quan và được cụ thể hóa bằng những quy định, quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm công vụ, nhất là đôn đốc xử lý hồ sơ TTHC cho người dân.
LÊ PHƯƠNG