Tiền gửi dân cư đạt kỷ lục mới, vượt 7 triệu tỷ đồng; tín dụng tháng 1/2025 tăng khả quan

Tiền gửi dân cư đạt kỷ lục mới, vượt 7 triệu tỷ đồng; tín dụng tháng 1/2025 tăng khả quan
8 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến tháng 11-2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chính thức vượt 7 triệu tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, tính tới tháng 11/2024, tiền gửi dân cư tăng 7,16%, tức tăng 467.549 tỉ đồng so với cuối năm 2023. Trong tháng 11/2024, có thêm 22.136 tỉ đồng được người dân gửi vào hệ thống ngân hàng.
Tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tính tới cuối tháng 11/2024 đạt 7,26 triệu tỉ đồng, tăng 6,26% so với cuối năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 25/12/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9.06%, đạt gần 14.7 triệu tỷ đồng. Cùng thời điểm, quy mô tín dungj đạt hơn 15,4 triệu tỷ đồng. Kết thúc năm 2024, quy mô tín dụng đạt 15,6 triệu tỷ đồng, NHNN chưa công bố chính xác quy mô huy động tại thời điểm cuối năm 2024 song chắc chắn là huy động vốn đạt quy mô thấp hơn quy mô dư nợ tín dụng.
Bước sang năm 2025, tín dụng tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm. NHNN cho biết, đến ngày 3/2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%). Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế (nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 24%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 18%) hoặc có tốc độ tăng trưởng tích cực (lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng lần lượt 24,7% và 34,18% so với cuối năm 2023).
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý I/2025, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngắn hạn được dự báo “tăng” cao hơn trung dài hạn ở hầu hết các nhóm TCTD trong quý và cả năm 2025.
Các TCTD dự báo dư nợ tín dụng tổng thể của hệ thống ngân hàng tăng 3,4% trong quý I/2025 và tăng 14,2% trong năm 2025, điều chỉnh giảm 0,2 điểm % so với mức dự báo 14,4% tại kỳ điều tra trước.
Kỳ vọng của các TCTD là hoàn toàn có cơ sở, bởi các chuyên gia cho rằng bên cạnh tín dụng hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thì bất động sản và hạ tầng cũng được coi là động lực tăng trưởng tín dụng năm nay. Ngoài ra, tín dụng xuất khẩu - đặc biệt là xuất khẩu nông sản - cũng được kỳ vọng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng, ngay cả khi chiến tranh thương mại trên thế giới xảy ra.
Theo các chuyên gia, năm nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án lớn, đầu tư công, do đó ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng hướng vào các loại bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản là vệ tinh của các đại dự án, trục giao thông công cộng như phát triển các nhà ga, đường sắt, các đô thị nhỏ...
T.L
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tien-gui-dan-cu-dat-ky-luc-moi-vuot-7-trieu-ty-dong-tin-dung-thang-12025-tang-kha-quan-d245653.html