Ảnh minh họa.
Thông tin về tình hình lao động, việc làm trong tháng 1/2025 trên địa bàn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết số lao động có việc làm tăng, tiền lương của người lao động tăng đồng đều ở các loại hình doanh nghiệp.
SỐ LAO ĐỘNG CÓ VIỆC LÀM TĂNG, TIỀN LƯƠNG ĐƯỢC CẢI THIỆN
Trong tháng 1/2025, TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 19.364 người lao động, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tạo việc làm cho 6.889 người lao động từ nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 515 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 1.374 người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 211 người lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động; 1.634 người lao động được giải quyết việc làm qua cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp, và 9.256 người lao động được giải quyết việc làm qua các hình thức khác.
Về phía Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm với 751 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 10.972 người. Đã có 4.008 người lao động được phỏng vấn và 1.374 người được tuyển dụng tại phiên.
Về tiền lương của người lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết năm 2024, tiền lương bình quân của người lao động trên địa bàn có chiều hướng tăng đồng đều hơn so với kết quả báo cáo cùng kỳ năm trước ở tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thuộc khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 6,76% so với năm 2023; các loại hình doanh nghiệp còn lại tăng từ 7,14% đến 7,35% so với năm 2023.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có tiền lương bình quân năm 2024 là 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mức tiền lương cao nhất là 25,2 triệu đồng/người/tháng; mức tiền lương thấp nhất 5,1 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước có tiền lương bình quân năm 2024 là 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mức tiền lương cao nhất là 43 triệu đồng/người/tháng; mức tiền lương thấp nhất là 5,2 triệu đồng/người/tháng.
Đối với khối doanh nghiệp dân doanh, tiền lương bình quân năm 2024 là 7,3 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, mức tiền lương cao nhất 59 triệu đồng/người/tháng; mức tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng/người/tháng.
Khối doanh nghiệp FDI có tiền lương bình quân năm 2024 là 7,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, mức tiền lương cao nhất là 147 triệu đồng/người/tháng; mức tiền lương thấp nhất là 4,96 triệu đồng/người/tháng.
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP KẾT NỐI, HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2025, thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 3%.
Doanh nghiệp tham gia phiên việc làm để tuyển dụng lao động. Ảnh: Thanh Hải.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết ghi nhận qua các phiên giao dịch việc làm đầu năm, nhìn chung thị trường lao động tại Hà Nội ổn định.
Nguyên nhân do dịp Tết vừa qua, chính quyền, doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chăm lo tốt đời sống người lao động, thưởng Tết tăng, tạo động lực cho công nhân trở lại sau Tết làm việc. Số người đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp giảm. Dự báo trong thời gian tới, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao là công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, du lịch…
Ông Thành cũng thông tin, để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp có nhân lực sau Tết, người lao động nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, dự kiến trong tuần tới, 13 trung tâm dịch vụ việc làm phía Bắc sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến với hàng chục nghìn vị trí tuyển dụng.
Năm 2025, ngoài các phiên hằng ngày, thành phố tiếp tục tổ chức các phiên chuyên đề dành cho nhiều nhóm đối tượng lao động, đặc biệt là tăng cường phối hợp các quận, huyện, thị xã để tổ chức các phiên lưu động hỗ trợ lao động dễ dàng tìm được việc làm ngay tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm nay, thành phố sẽ duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, diễn ra đồng bộ trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các Sàn giao dịch việc làm với các địa phương trong vùng Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, chuyên đề...
Thành phố cũng chú trọng nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Song song đó là tập trung các nguồn lực trung ương và địa phương để triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi, bảo đảm các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn Thủ đô.
Nhật Dương