Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới “Việt Nam 2025 - Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao” chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại: khu vực công tại Việt Nam – dù có quy mô lớn hơn hầu hết các nước tương đồng – lại trả lương thấp hơn đáng kể so với khu vực tư nhân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công, mà còn đe dọa động lực làm việc, năng lực thu hút và giữ chân nhân sự có trình độ cao trong khu vực nhà nước.
Lương thấp không còn là “chuyện hiển nhiên”
Tại nhiều quốc gia, khu vực công thường trả mức lương nhỉnh hơn so với khu vực tư nhân, như một cách để bù đắp sự ổn định và yêu cầu liêm chính trong công vụ. Tuy nhiên, xu hướng này không còn đúng tại Việt Nam. Trong khi người lao động tại doanh nghiệp nhà nước có thu nhập tiệm cận hoặc tương đương khu vực tư nhân, thì những người làm việc trong các cơ quan chuyên môn – bao gồm giáo dục, y tế, lập pháp, hành pháp và tư pháp lại bị bỏ xa về thu nhập.
Chênh lệch tiền lương giữa khu vực công và tư tại Việt Nam là rất rõ rệt. Ví dụ, các doanh nghiệp tư nhân trả lương cao hơn tới 42% cho các vị trí thuộc nhóm pháp lý và hành pháp, thậm chí con số này lên tới 80% tại một số địa phương. Các cơ sở y tế, giáo dục và các cơ quan chuyên môn nhà nước cũng chịu tình trạng tương tự, với mức chênh lệch từ 14% đến 40% tùy theo vùng miền.
Dựa trên Khảo sát lao động việc làm Việt Nam năm 2022. Nguồn: WordBank
Điều đáng nói là khoảng cách tiền lương đã nới rộng hơn so với 15 năm trước – khi khu vực công còn có thể trả mức lương nhỉnh hơn so với tư nhân. Nguyên nhân chính nằm ở việc khu vực tư nhân tăng lương nhanh hơn, trong khi cải cách tiền lương khu vực công diễn ra chậm chạp và dè dặt.
Động lực làm việc bị bào mòn
Tiền lương là một yếu tố quan trọng quyết định động lực làm việc. Khi thu nhập không đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu hoặc tương xứng với năng lực, cán bộ, công chức sẽ mất đi động lực cống hiến, tìm cách làm thêm hoặc rời bỏ khu vực công. Không chỉ gây ra tình trạng “chảy máu chất xám”, điều này còn tạo ra nguy cơ cho các hành vi tiêu cực trong công vụ – từ vòi vĩnh, nhũng nhiễu cho đến tiêu cực trong quản lý ngân sách và đầu tư công.
Ngay cả trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng với các biện pháp răn đe mạnh tay, việc thiếu đồng bộ trong cải cách thể chế – đặc biệt là không cải thiện chính sách tiền lương có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Khi mức lương thấp, quy định không rõ ràng, rủi ro pháp lý cao, cán bộ có xu hướng “không dám làm, không dám quyết”, sợ hãi sai lầm. Hệ quả là bộ máy vận hành trì trệ, hiệu quả giảm sút, nhất là trong các lĩnh vực như đầu tư công – nơi cần sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao.
Dựa trên Khảo sát lực lượng lao động Việt Nam năm 2022. Nguồn: WorldBank
Cải cách tiền lương: Cần nhanh và linh hoạt hơn
Việc tăng lương 30% trong năm 2024 là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, mức tăng này chỉ mới tiệm cận được khoảng cách lương giữa khu vực công và tư nhân, chứ chưa thể san bằng. Đồng thời, sự chênh lệch giữa các vùng miền, ngành nghề cho thấy cần một chính sách tiền lương linh hoạt hơn – thay vì một hệ thống đồng đều, cào bằng như hiện nay.
Việc trả lương theo vị trí việc làm, năng lực và hiệu quả công việc cần được triển khai mạnh mẽ hơn, đi kèm với tinh giản biên chế có chọn lọc. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực trọng yếu như giáo dục, y tế, tư pháp, tài chính công – nơi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ công và niềm tin xã hội – cần có cơ chế lương ưu đãi rõ ràng để thu hút và giữ chân nhân sự.
Tinh giản bộ máy không thể tách rời cải cách lương
Việt Nam đang trong quá trình sắp xếp lại tổ chức hành chính, với mục tiêu tinh giản 20% biên chế khu vực công. Đây là một bước đi cần thiết để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí vận hành.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần giảm số lượng mà không cải thiện chất lượng, đặc biệt là không giải bài toán tiền lương, thì quá trình này có thể phản tác dụng. Bộ máy có thể gọn hơn, nhưng lại mất đi những người giỏi, dẫn đến tình trạng “ít người làm nhiều việc” và giảm hiệu quả thực thi chính sách.
Do vậy, cải cách tiền lương không chỉ là vấn đề tài chính hay chính sách nhân sự, mà còn là một phần cốt lõi trong kiến tạo một bộ máy nhà nước hiệu quả, minh bạch, có khả năng cạnh tranh nhân lực với khu vực tư nhân.
Tiền lương thấp trong khu vực công là một thực tế không thể tiếp tục né tránh. Nếu không được giải quyết một cách căn cơ, vấn đề này sẽ tiếp tục làm xói mòn năng lực nhà nước, làm suy yếu chất lượng dịch vụ công và tạo ra khoảng trống cho các hành vi tiêu cực.
Cải cách tiền lương phải đi đôi với cải cách tổ chức, cải cách thể chế và hiện đại hóa quản trị công – đó là con đường tất yếu nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực và liêm chính.
Lan Anh