Thử việc là quá trình thử thách dành cho người lao động trong một thời gian nhất định nhằm đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động… trước khi quyết định ký kết hợp đồng lao động chính thức.
Qua thời gian thử việc này, bên sử dụng lao động có thể đánh giá được năng lực và hiệu quả công việc, còn người lao động cũng biết mình có phù hợp với công việc, môi trường làm việc và các chế độ khác hay không, từ đó đưa ra kết luận có làm việc chính thức hay không.
Trong giai đoạn thử việc, người lao động sẽ nhận được một phần của các phúc lợi và lương mà họ sẽ được hưởng sau khi trở thành nhân viên chính thức.
Mức tiền lương dành cho lao động thử việc được pháp luật quy định như thế nào là vấn đề luôn được nhiều người quan tâm.
Chị Phan Thị Nụ (34 tuổi, quê ở Nghệ An) thắc mắc: "Tôi nhận việc kế toán tại một công ty xuất nhập khẩu ở Long Biên (Hà Nội) được hơn hai tuần nay.
Tôi làm việc đủ 8 giờ/ngày như các nhân sự khác nhưng không rõ lương thử việc sẽ được tính thế nào và thời gian thử việc được quy định ra sao?”.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý, cho biết: Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo đó, tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức thỏa thuận lương chính thức của công việc đó.
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc có thể được tính bằng công thức sau: Ltv ≥ Lct x 85%.
Trong đó, "Ltv" là tiền lương người lao động được nhận trong thời gian thử việc; "Lct" là mức thỏa thuận lương chính thức của công việc.
Theo luật sư Kiên, Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện:
Thứ nhất, không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014;
Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Như vậy, chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc, không được yêu cầu thử việc trên 1 lần đối với cùng 1 công việc. Trường hợp thử việc trên 1 lần với các công việc khác nhau thì vẫn được phép.
Y Nhụy