'Tiền mất, tật mang' vì tin theo quảng cáo của người nổi tiếng

'Tiền mất, tật mang' vì tin theo quảng cáo của người nổi tiếng
6 giờ trướcBài gốc
Một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo mà chủ thể là người nổi tiếng đã bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí, có vụ việc đã bị cơ quan điều tra khởi tố. Ảnh ST
Bẫy thông tin quảng cáo từ người nổi tiếng khiến người tiêu dùng… méo mặt
Bởi tin theo lời quảng cáo, đặc biệt là từ những người nổi tiếng, nghệ sỹ, nhiều gia đình, người dân mua hàng, rồi hoang mang, lo “tiền mất, tật mang” khi biết đang sử dụng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí là có hại.
Một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo mà chủ thể là người nổi tiếng đã bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí, có vụ việc đã bị cơ quan điều tra khởi tố về tội danh lừa dối khách hàng đã cho thấy sự nhức nhối của vấn đề này và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xử lý nghiêm minh.
Điển hình như vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện cho thấy, các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm nhưng thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định lại được xác định là hàng giả. Trong khi nhiều nghệ sỹ, người nổi tiếng vẫn vô tư “nổ” về công dụng, chức năng của sản phẩm, hệ quả là các hàng nghìn sản phẩm như vậy đã đến tay hàng người tiêu dùng..
Tại buổi họp báo quý I/2025, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Thời gian vừa qua Cục đã tiếp nhận phản ánh từ các cơ quan báo chí về một số cá nhân là người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội các loại sữa, các sản phẩm dinh dưỡng vượt ra ngoài công dụng và tính năng thành phần của sản phẩm, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm tra, xác minh các hành vi quảng cáo vi phạm.
“Những người tham gia quảng cáo, đặc biệt là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội đều phải rút kinh nghiệm khi nhận bất kỳ hợp đồng quảng cáo nào của các nhãn hàng phải kiểm tra kỹ về các giấy phép liên quan, chất lượng sản phẩm quảng cáo” - bà Huyền cho biết.
Lí giải nguyên nhân khiến các vụ việc vi phạm quảng cáo thời gian qua gia tăng trong đó, không ít người quảng cáo sai là nghệ sỹ, người nổi tiếng, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh ý thức, trách nhiệm của cá nhân tham gia quảng cáo còn là do những bất cập trong quy định pháp luật và chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe.
Đây cũng là một trong những nội dung được nhiều đại Quốc hội quan tâm khi thảo luận về Luật Quảng cáo (sửa đổi).
Đại biểu Hằng đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá các hạn chế, bất cập hiện hữu để “bịt" lỗ hổng pháp lý, không để quảng cáo sai sự thật cũng như tiếp tục rà soát các hành vi nghiêm cấm, trách nhiệm của các bên có liên quan để xử lý vi phạm. Ảnh QH
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) cho biết, thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ việc quảng cáo hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc "thổi phồng" công dụng của sản phẩm như các vụ việc: quảng cáo sữa giả; vụ việc quảng cáo của Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục và mới đây nhất là sự việc được dư luận đặc biệt quan tâm về lòng se điếu.
Điều này đang đặt ra những yêu cầu mới về hoàn thiện quy định pháp luật để phòng ngừa, xử lý triệt để vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo.
“Đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá hạn chế, bất cập để bịt lỗ hổng pháp lý về trách nhiệm của các bên liên quan, xử lý vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó cần một số chế tài nghiêm khắc hơn” - nữ đại biểu nêu quan điểm.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn tỉnh Hải Dương), hoạt động quảng cáo hiện nay bao gồm nhiều chủ thể: từ người có nhu cầu quảng cáo, đến đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo, cơ quan phát hành nội dung, và cả người chuyển tải, là đối tượng trực tiếp đưa sản phẩm quảng cáo đến công chúng.
Tuy nhiên, Luật Quảng cáo chưa có quy định điều chỉnh hành vi của người truyền tải, đặc biệt là những người có ảnh hưởng. Đây là lỗ hổng dẫn đến việc vi phạm trong lĩnh vực này gia tăng và chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu “Việc bổ sung quy định này là cần thiết để lấp đầy khoảng trống pháp lý” - bà Thoa nhấn mạnh.
Quy định rõ nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo
Một trong những quy định đáng chú ý tại dự thảo Luật Quảng cáo là đã xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các đối tượng, trong đó có người truyền tải sản phẩm quảng cáo, người có tầm ảnh hưởng hoặc vấn đề quảng cáo trên mạng...
Để đảm bảo trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo sản phẩm, quy định mới yêu cầu: Người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo ngoài nghĩa vụ quy định với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, còn phải xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; trường hợp chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Đồng tình với quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải hiểu rõ sản phẩm quảng cáo, song đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) cũng băn khoăn cho rằng, làm thế nào để người chuyển tải sản phẩm quảng cáo xác minh độ tin cậy khi mọi thông tin đều do người quảng cáo cung cấp. Do đó, theo đại biểu, cần có cơ chế hỗ trợ pháp lý thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước để người chuyển tải có thể thực hiện nghĩa vụ một cách khả thi.
Chung quan điểm khi nhận diện khó khăn trong vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) đề xuất: Chỉ những người có chuyên môn liên quan đến sản phẩm mới được phép quảng cáo.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, khi các sản phẩm được quảng cáo rất rộng, trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì lĩnh vực quảng cáo. Vậy thẩm quyền xác minh vi phạm được thực hiện ra sao? Hiện, dự thảo luật đang quy định theo hướng cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành. Song để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, hoặc kéo dài thời gian trong xác minh vi phạm do công tác phối hợp, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành.
Pháp luật quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên. Nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, gây hậu quả, thì họ phải chịu trách nhiệm. Khi đó, cơ quan quản lý có thể căn cứ để xử phạt theo đúng nghĩa vụ chưa được thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị nâng mức phạt hành chính, bổ sung quy định về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp với người nổi tiếng.
Cùng với ý kiến của các đại biểu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo cũng đề xuất, ngoài việc bị xử lý trách nhiệm theo mức độ vi phạm, dự thảo Luật cần bổ sung thêm nghĩa vụ của người chuyển tải quảng cáo sai, đặc biệt là người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình...
Theo lộ trình, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết vào ngày 11/6 tới. Các nghị định hướng dẫn thi hành dự kiến cũng sẽ được ban hành kèm theo và có hiệu lực cùng lúc với luật. Do đó, các ý kiến cho rằng, việc làm rõ các vấn đề, từ quy định khung đến hướng dẫn chi tiết, ngay khi dự thảo Luật đang được bàn thảo sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo tính khả thi, cũng như hiệu quả trong việc đưa quy định pháp luật vào cuộc sống.
"Việc siết chặt trách nhiệm của người nổi tiếng không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn là bước đi cần thiết để lập lại trật tự trong môi trường quảng cáo, từ đó góp phần xây dựng ngành công nghiệp văn hóa phát triển" - ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết.
N.LỘC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/tien-mat-tat-mang-vi-tin-theo-quang-cao-cua-nguoi-noi-tieng-40273.html