Gần 15,2 triệu tỷ đồng được gửi vào hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 4
Tiền gửi tăng mạnh
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại thời điểm cuối tháng 4/2025, tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt gần 15,2 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng liền trước. Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt gần 7,54 triệu tỷ đồng, tăng 6,69% so với đầu năm. Riêng trong tháng 4, tiền gửi dân cư đã tăng thêm khoảng gần 67.650 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt gần 7,63 triệu tỷ đồng, giảm 0,55% so với cuối năm 2024, nhưng nếu so với thời điểm cuối tháng 3/2025 thì tăng thêm hơn 104.913 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 5/2025 đạt hơn 18,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh, bất chấp lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp. Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên thị trường phổ biến ở mức 5-6%/năm đối với các khoản tiền gửi giá trị dưới 1 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2025, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 4,8-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6-8,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Cập nhật mới nhất, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II/2025 và 6 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm. Cụ thể, tính đến thời điểm 26/6/2025, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09% so với cuối năm 2024 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,48%). Trong khi đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11% (cùng thời điểm năm trước tăng 1,82%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,3% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,85%).
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tháng 5/2025, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, mặc dù lãi suất huy động đang trên đà giảm, lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng rằng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%. Các chuyên gia MSB dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động trong khoảng 5,5-6%/năm trong năm 2025.
Ông Phạm Toàn Vượng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến 30/6/2025, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so đầu năm - cao nhất từ năm 2021 trở lại đây, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn. Nguồn vốn của Agribank tăng trưởng ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu vay phát triển sản xuất - kinh doanh của khách hàng, hiệu quả sử dụng vốn được nâng cao, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định.
VietinBank cũng cho hay, ngân hàng này đã đạt được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, với dư nợ tín dụng ước tăng 10% và nguồn vốn huy động ước tăng hơn 9% so với cuối năm 2024.
Tại khối ngân hàng tư nhân, lãnh đạo một số ngân hàng như ACB, HDBank… chia sẻ rằng, tăng trưởng huy động tiếp tục tích cực và thanh khoản tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu tín dụng cải thiện của khách hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh khu vực II cho hay, sau nhiều năm tăng trưởng huy động vốn luôn thấp hơn tăng trưởng tín dụng thì đến cuối tháng 3/2025, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư tại TP.HCM đạt 1,516 triệu tỷ đồng, chiếm 37,2% trong tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tăng 4,54% so với cuối năm 2024 và tăng 11,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tín dụng tại khu vực này tính đến cuối tháng 3/2025 tăng gần 1,4%.
Khi tín dụng cải thiện…
Trên thực tế, khi tín dụng tăng lên thì huy động vốn cũng tăng theo. Bởi khi người dân, doanh nghiệp được vay tiền và giải ngân thì họ sẽ đưa lại tiền vào ngân hàng để giao dịch, rồi tiền cũng quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi.
Cũng với đà tăng trưởng nguồn vốn huy động, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 7,6% so với cuối năm 2024 và cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 61% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, VietinBank cho biết, tính đến ngày 10/6/2025, dư nợ tín dụng đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2024 và đến cuối tháng 6/2025 tăng 10%...
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, huy động vốn trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng khá tốt, cao hơn so với các năm trước, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng, trong những năm gần đây thường chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 6/2025, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 10%.
“Với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như vậy thì huy động vốn tăng cũng là điều dễ hiểu. Đây là chức năng tạo tiền của các ngân hàng thương mại”, ông Quang nói và chia sẻ thêm, nhiều người đặt câu hỏi rằng, huy động vốn tăng nhanh, người dân gửi nhiều tiền vào ngân hàng thì có phải nền kinh tế đang khó khăn, suy thoái hay không. Câu trả lời là tăng trưởng huy động vốn là chỉ số của ngành ngân hàng, không phải chỉ báo kinh tế vĩ mô. Để đánh giá chỉ báo kinh tế vĩ mô sẽ có những chỉ số khác như PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng), CPI (chỉ số giá tiêu dùng), tăng trưởng bán lẻ…, qua đó mới phản ánh rõ nét tình hình sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế. Còn trên thực tế, khi tín dụng tăng lên thì huy động vốn cũng tăng theo. Bởi khi người dân, doanh nghiệp được vay tiền và giải ngân thì họ sẽ đưa lại tiền vào ngân hàng để giao dịch, rồi tiền cũng quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi.
Tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2025 dù cải thiện tích cực, song vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng nên giới phân tích tài chính đưa ra khuyến nghị cần thận trọng với rủi ro thanh khoản. Đáng chú ý, khi thuế quan cao hơn sẽ tác động đến bất động sản công nghiệp, bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trong quyết định đầu tư.
TS. Huỳnh Trung Minh - chuyên gia tài chính cho rằng, các yếu tố bên ngoài như diễn biến địa chính trị trên thế giới, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất USD… đã tác động đến tỷ giá và lạm phát trong nước, từ đó khiến tâm lý nhà đầu tư cá nhân cũng như doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, gửi tiền vào ngân hàng dù lãi không cao bằng các kênh đầu tư khác, nhưng vẫn đảm bảo sinh lời. Tiền gửi vào ngân hàng có thể là tiền chờ thanh toán, chờ cơ hội đầu tư, kể cả vốn vay đã giải ngân nhưng chưa sử dụng ngay, mà chờ cơ hội từ các kênh đầu tư cải thiện…
Theo ông Minh, trong bối cảnh nền kinh tế còn ẩn chứa nhiều biến động khó lường, kênh tiền gửi ngân hàng sẽ đảm bảo sự an toàn, hiệu quả, trong khi không phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí vào việc phân tích, nghiên cứu, đánh giá như khi đầu tư vào chứng khoán, vàng hay bất động sản - vốn là những kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro bởi có mức độ biến động lớn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, kinh nghiệm và có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng mới có thể mang lại hiệu quả.
Thùy Vinh