Hội thảo quốc tế "50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại", được Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 23-4 tại Hà Nội. Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, các nhà ngoại giao kỳ cựu, chuyên gia, nhân chứng lịch sử và bạn bè quốc tế đã tham gia hội thảo.
Khẳng định bản lĩnh, trí tuệ
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, khẳng định thắng lợi ngày 30-4-1975 là mốc son chói lọi, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ và mở ra một kỷ nguyên "độc lập - thống nhất - hòa bình và phát triển" cho dân tộc. Trong chặng đường vĩ đại ấy, ngành ngoại giao đã đóng vai trò then chốt.
Trong bài phát biểu chỉ đạo hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao đã được thể hiện rõ nét trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết năm 1969 xác định "ngoại giao là một mặt trận quan trọng", ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với chính trị, quân sự, tạo nên thế "vừa đánh vừa đàm", đưa đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch nước dẫn lại các mốc son đỉnh cao như Hiệp định Geneva 1954 và Hội nghị Paris 1968-1973, là những chiến thắng ngoại giao khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Bước ra khỏi chiến tranh, đối mặt với bao khó khăn về tái thiết, ngoại giao tiếp tục khẳng định vai trò là "người mở cửa" để Việt Nam hội nhập với thế giới. Từ một quốc gia từng bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có 34 đối tác chiến lược và toàn diện, bao gồm toàn bộ các nước G7, các thành viên G20 và tất cả các nước ASEAN.
Chủ tịch nước cho rằng, đây là kết quả của đường lối đối ngoại nhất quán, độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa và đa dạng hóa. Việt Nam không chỉ hội nhập, mà còn chủ động, tích cực đóng góp vào hòa bình và phát triển toàn cầu.
Việt Nam hiện nằm trong top 35 nền kinh tế thế giới và top 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất - minh chứng rõ nét cho hiệu quả ngoại giao kinh tế, ngoại giao phát triển thời kỳ mới.
Chủ tịch nước Lương Cường dự Hội thảo quốc tế “50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” vào ngày 23-4Ảnh: TTXVN
Niềm tin và khát vọng hòa bình
Từ thực tiễn nửa thế kỷ qua, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh những bài học cốt lõi của ngoại giao Việt Nam: Độc lập tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, linh hoạt sách lược, kiên định chiến lược; phối hợp đồng bộ giữa ngoại giao với quốc phòng, an ninh, kinh tế và các lĩnh vực khác.
Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không thể tách rời của dân tộc, là nguồn lực to lớn cho công cuộc phát triển đất nước.
Nhiều diễn giả tại hội thảo chia sẻ quan điểm chiến thắng 30-4 không chỉ là thắng lợi của một dân tộc, mà còn là biểu tượng của khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc, vượt qua quá khứ để xây dựng tương lai. Những mô hình như hòa giải, tái thiết sau chiến tranh mà Việt Nam từng thực hiện có thể là bài học giá trị với thế giới hôm nay.
Trong thông điệp gửi đến hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận định ngoại giao hiện nay càng đóng vai trò then chốt, bởi trong bối cảnh xung đột leo thang, "chúng ta cần đối thoại, cần giải pháp hòa bình hơn bao giờ hết".
Theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, bài học từ hành trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là một minh chứng điển hình. Từ hai quốc gia từng đối đầu, Việt Nam và Mỹ hiện đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Ông nhấn mạnh: "Dù khốc liệt đến đâu, chiến tranh rồi cũng phải kết thúc bằng hòa bình và thương lượng".
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), bà Virginia B. Foote, cũng chia sẻ quá trình hai nước thiết lập quan hệ bình thường hóa là một chặng đường đầy thử thách. Tuy nhiên, nhờ các chiến lược khôn khéo, Việt Nam đã đạt được những mục tiêu đối ngoại quan trọng, tạo nền tảng cho quan hệ phát triển sâu rộng như hiện nay.
"Đối ngoại là công cụ để xây dựng và phục hồi niềm tin giữa các quốc gia. Chỉ khi có lòng tin thì mới có thể chuyển từ đối đầu sang hợp tác như Việt - Mỹ. Trong thời gian tới, ngoại giao sẽ tiếp tục chủ động tận dụng các điều kiện quốc tế, thúc đẩy hợp tác đa phương và khoa học công nghệ phục vụ phát triển quốc gia" - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu.
Nhấn mạnh vai trò của ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng ngoại giao Việt Nam không chỉ là sứ giả của hòa bình, mà còn là biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do và thịnh vượng của cả dân tộc. Trong kỷ nguyên mới, đây vẫn sẽ là ngọn cờ tiên phong trong hành trình hội nhập, phát triển và vươn ra thế giới.
Dương Ngọc