Kịp thời đổi mới công tác xây dựng pháp luật
Theo báo cáo tại Hội nghị, công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là lĩnh vực được Bộ, ngành tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; góp phần tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 620.657 việc. Nguồn: ITN
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Cụ thể, năm 2024, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản; cùng với các bộ, ngành hoàn thành và công bố Bộ Pháp điển Việt Nam.
Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; thể chế thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện…
Nhờ đó, kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cụ thể, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỷ lệ 83,88% (tăng 0,62% so với cùng kỳ năm 2023), cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao.
Về tiền, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng (tăng 30,33% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỷ lệ 51,84% (tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2023), cao hơn 5,39% so với chỉ tiêu được giao. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.973 bản án, quyết định, tăng 559 bản án, quyết định so với năm 2023 (tăng 73,7%); các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng gần 54% so với năm 2023).
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính
Theo Bộ Tư pháp, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến; việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thực hiện đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Các mặt công tác khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua tổng kết thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024 cho thấy, hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đã được điều chỉnh bằng các quy chế, quy định; quyền làm chủ của công chức, viên chức, người lao động được bảo đảm; công chức, viên chức được tham gia, được biết, được giám sát hoạt động của Bộ, ngành trong những vấn đề có liên quan và theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã biểu dương các kết quả đạt được và cho rằng năm 2025 dự báo sẽ có những thách thức lớn, với yêu cầu về chất lượng, tiến độ công tác ngày càng cao. Bộ Tư pháp cần tiếp tục tập trung vào việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về cải cách bộ máy, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp. Đặc biệt, năm 2025 là năm kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành tư pháp, vì vậy khối lượng công việc và yêu cầu về chất lượng, tiến độ và trách nhiệm ngày càng cao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2025, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trong Bộ cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ và chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tham gia đầy đủ và có quyền giám sát các hoạt động của Bộ, ngành, đồng thời thúc đẩy một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện và sáng tạo.
Đặc biệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật có tính khả thi, minh bạch và dễ tiếp cận hơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thông qua các dịch vụ công trực tuyến; tập trung thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời bảo đảm dân chủ, công khai và công bằng trong việc điều hành, xử lý các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ.
Đỗ Quyên