Tiến sĩ trẻ với công trình nghiên cứu nguyên tử áp suất khí quyển

Tiến sĩ trẻ với công trình nghiên cứu nguyên tử áp suất khí quyển
20 giờ trướcBài gốc
Cống hiến cho đất nước
Kết thúc năm nhất tại trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Nguyễn Viết Hương nhận được học bổng danh giá từ Đề án 322, chương trình đưa những tài năng trẻ Việt Nam đến với nền giáo dục tiên tiến thế giới bằng ngân sách Nhà nước. TS Hương chọn Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon, để tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học vật liệu và công nghệ nano. Nhưng giấc mơ lớn luôn đi kèm thử thách lớn.
“Những ngày đầu tiên du học ở Pháp, tôi bị sốc khi chỉ hiểu được 30% những kiến thức thầy, cô giáo giảng trên lớp. Về nhà, tôi phải tự đọc lại, học lại và tìm hiểu kỹ để hiểu được bài trên lớp và nỗ lực học tiếng Pháp cấp tốc…”, anh Hương nhớ lại.
TS Nguyễn Viết Hương, Phó trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024.
Khó khăn là vậy, nhưng anh Hương luôn nằm trong nhóm dẫn đầu lớp về các môn sở trường như Toán, Lý. Ngày tốt nghiệp, Hương không chỉ là 1 trong 3 sinh viên châu Á hiếm hoi của lớp, mà còn là thủ khoa đầu ra toàn khóa. Nhìn lại hành trình tuổi trẻ đầy thử thách, anh Hương xúc động: “Đó là những năm tháng vất vả, nhưng vẻ vang thời tuổi đôi mươi của tôi...”.
Kết thúc chặng đường 5 năm học tập tại Pháp, TS Nguyễn Viết Hương xác định sẽ gắn bó lâu dài với con đường nghiên cứu khoa học và tìm đến một môi trường nghiên cứu quốc tế để rèn luyện tiếng Anh. Cơ hội đến khi anh được giới thiệu sang trung tâm nghiên cứu công nghệ nano hàng đầu châu Âu IMEC (Vương quốc Bỉ), những ngày cuối tuần, anh miệt mài trong phòng thí nghiệm, đắm mình vào thế giới khoa học với niềm đam mê.
Tháng 10/2015, TS Hương trở lại Pháp, bắt đầu hành trình nghiên cứu sinh, bắt đầu làm từ những việc nhỏ nhất như: Hàn cáp điện chống nhiễu, viết code điều khiển lưu lượng khí, nhiệt độ, thiết kế hệ thống… Dưới sự chỉ dạy khắt khe của thầy hướng dẫn, anh dần định hình bản sắc nghiên cứu, theo đuổi và chinh phục những ý tưởng táo bạo. Anh đã xây dựng thành công hệ thống SALD: Hệ thống lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước.
TS Nguyễn Viết Hương vinh dự nhận được giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024.
Thành quả này không chỉ giúp anh hoàn thành Luận án Tiến sĩ, mà còn nhận giải Luận án tiến sĩ xuất sắc của Hội Hóa học Pháp. Hệ thống SALD đầu tiên tại Việt Nam cho phép chế tạo màng mỏng nano ở nhiệt độ thấp, tốc độ cao, không sử dụng buồng chân không... hiện đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất màng mỏng nano trong các linh kiện quang điện tử, cảm biến khí, pin năng lượng mặt trời, pin lưu trữ và các lớp phủ bảo vệ... giúp các đơn vị tự chủ trong phát triển hệ thống thiết bị công nghệ cao, tiết kiệm hàng tỷ đồng so với nhập khẩu thiết bị thương mại và mở ra cơ hội lớn cho các hướng nghiên cứu mới, phục vụ công tác đào tạo.
Sau 9 năm học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, đứng trước nhiều ngã rẽ và những lời mời hấp dẫn từ các trung tâm nghiên cứu hàng đầu châu Âu, nhưng TS Hương chọn con đường khác: Con đường trở về để cống hiến cho quê hương.
Năm 2019, anh đầu quân về Trường Đại học Phenikaa và chủ trì dự án xây dựng, tự thiết kế hệ thống SALD. Sau 3 năm miệt mài cùng đồng đội, tháng 2/2022, phòng thí nghiệm công nghệ SALD ra đời. Từ đó đến nay, TS Nguyễn Viết Hương tâm huyết “gieo những hạt giống” khoa học trong mỗi tiết học trên giảng đường, trong phòng thí nghiệm và dẫn dắt, đồng hành cùng những bạn trẻ khác trong Tập đoàn Phenikaa và nhiều dự án hợp tác quốc tế tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và một số nước châu Âu…
Ở tuổi 35, Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương đã gặt hái nhiều thành công: Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024, sở hữu bằng độc quyền sáng chế quốc tế về “Phát triển công nghệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển” (công trình đã có hơn 20 bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước). Bên cạnh đó, TS Nguyễn Viết Hương đã có 32 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế (11 bài là tác giả chính); 7 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế (2 bài là tác giả chính)...
Truyền cảm hứng cho giới trẻ
TS Nguyễn Viết Hương cho rằng, thanh niên chính là nguồn lực mạnh mẽ nhất để phát triển khoa học và công nghệ. Chính sự sáng tạo, linh hoạt và không sợ thất bại đã góp phần tạo nên những bước tiến quan trọng. “Nghiên cứu khoa học vốn đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ, tuổi trẻ là độ tuổi phù hợp nhất để thử thách điều đó...”, TS Nguyễn Viết Hương chia sẻ.
TS Hương hướng dẫn các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.
Thông cảm với những khó khăn mà các bạn trẻ thường gặp khi tiếp cận với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chưa nắm rõ quy trình, táo bạo, mong muốn phá bỏ những giới hạn… TS Nguyễn Viết Hương đã trên 10 lần giúp các bạn khắc phục sự cố hỏng thiết bị hay gặp sự cố trong phòng thí nghiệm: “Sau những bước đi táo bạo đó, dù có rủi ro, để đổi lấy những khám phá mới. Tôi thấy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ngọn lửa đam mê khó có thể dập tắt trong lòng các bạn trẻ…”.
Từ chính kinh nghiệm của bản thân, TS Hương luôn khuyến khích sinh viên tham gia các nhóm nghiên cứu khoa học, có thể bắt đầu từ năm hai hoặc năm ba... để vừa tiếp xúc với kiến thức thực tế, vừa có cơ hội làm việc với các nghiên cứu sinh trong các buổi báo cáo nhóm, học cách tư duy khoa học và phát triển kỹ năng mềm.
Trên hết, điều TS Hương muốn truyền tải không chỉ là kiến thức, mà còn là tinh thần tự học. TS Hương nhấn mạnh: “Khoa học và công nghệ thay đổi liên tục. Những gì học hôm nay có thể lỗi thời chỉ trong một vài năm. Chỉ có tinh thần tự học mới giúp các bạn trẻ bắt kịp và tiến xa”. Vì vậy, trong giảng dạy, anh luôn tạo điều kiện để sinh viên chủ động tìm tòi, tự nghiên cứu, giúp họ rèn luyện tư duy độc lập.
TS Nguyễn Viết Hương chụp ảnh cùng các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học...
Với TS Hương, làm khoa học không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm với quê hương, đất nước; trách nhiệm với thế hệ trẻ. TS Hương mong muốn tiếp lửa, giúp các bạn trẻ tiến xa hơn trên con đường khoa học.
Hiện, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Viết Hương đang mở rộng hợp tác liên ngành nhằm đẩy nhanh quá trình ứng dụng hệ thống SALD vào thực tiễn. Đây là bước tiến trong nghiên cứu, mở ra cánh cửa đổi thay quan trọng trong nhiều lĩnh vực liên quan.
“Hy vọng trong 5 năm tới, câu chuyện của chúng ta sẽ không còn gói gọn trong phòng thí nghiệm, mà trở thành những ứng dụng thiết thực, giúp công nghệ màng mỏng tạo ra dấu ấn rõ nét trong đời sống”, TS Hương chia sẻ.
Hướng đi sắp tới của nhóm là phát triển màng phủ nano chống bức xạ UV, giúp bảo vệ vật liệu hữu cơ khỏi tác động của ánh sáng cường độ cao, kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Không dừng lại, công nghệ này còn hứa hẹn đóng góp vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và sản xuất linh kiện quang điện tử thông minh.
“Với lợi thế tự chủ về công nghệ, kết hợp cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhóm nghiên cứu, chúng tôi tin rằng SALD sẽ sớm khẳng định được vị thế trong thực tiễn, tạo ra giá trị kinh tế bền vững”, TS Hương nhấn mạnh.
Hồng Phượng/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/tien-si-tre-voi-cong-trinh-nghien-cuu-nguyen-tu-ap-suat-khi-quyen-20250403143137496.htm