Người bệnh nhận thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.
Nhiều lợi ích
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), nhờ ứng dụng công nghệ, kê đơn thuốc điện tử kết nối lên hệ thống, liên thông giữa các khoa phòng nên thủ tục nhận thuốc của người bệnh đã nhanh hơn rất nhiều. Thao tác đối chiếu, nhận thuốc nhanh, gần như người bệnh không phải xếp hàng lâu.
Sau khi từ phòng khám xuống nhà thuốc, chỉ mất vài phút, ông N.Đ.T (ở Gia Lâm, Hà Nội) đã nhận xong thuốc một cách nhanh chóng. Ông T. chia sẻ: “Gần đây, quy trình nhận thuốc rất nhanh gọn, dễ dàng. Người bệnh khi xuống quầy chỉ cần đối chiếu đơn, nhân viên y tế đã xếp thuốc sẵn từ trước đó. Với người già đi khám định kỳ lấy thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) hầu như thuốc của các tháng giống nhau, chúng tôi thấy rất thuận tiện, đỡ vất vả hơn rất nhiều. Người già cũng không lo các trường hợp nếu đánh mất đơn thuốc”.
TS.BS Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Hiện nay ứng dụng đơn thuốc điện tử khi được bác sĩ kê xong thì dữ liệu đã được chuyển lên phần mềm, tới bộ phận cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Nhờ vậy, nhân viên bộ phận cấp phát thuốc đã có luôn và sẵn sàng chuẩn bị thuốc cho người bệnh. Nhờ đó, quy trình nhận thuốc tại Bệnh viện hiện nay đã được rút ngắn xuống chỉ còn vài phút; người bệnh không còn phải mất nhiều thời gian chờ xếp hàng như trước kia.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, nhờ áp dụng bệnh án điện tử, việc quản lý quá trình điều trị của người bệnh, trong đó có sử dụng thuốc, đơn thuốc được minh bạch, tiện lợi cho cả y bác sĩ và người bệnh.
Trong quá trình đi buồng, nhân viên y tế có thể dễ dàng tra cứu lịch sử sử dụng các loại thuốc của người bệnh chỉ bằng chiếc ipad đã được trang bị sẵn. Ngoài ra, bệnh viện còn có ứng dụng “Bạch Mai care”, người bệnh có thể cài đặt trên điện thoại dễ dàng tự tra cứu không chỉ kết quả khám, xét nghiệm, chẩn đoán mà tra cứu cả đơn thuốc điện tử đã được tích hợp trên hệ thống. Việc ứng dụng công nghệ đã mang lại rất nhiều sự tiện lợi cho người bệnh.
Thông tư 26 của Bộ Y tế đang đưa ra lộ trình các bệnh viện phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 1/10/2025; và từ ngày 1/1/2026, quy định này sẽ áp dụng bắt buộc đối với tất cả cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả tuyến y tế cơ sở và phòng khám tư nhân. Các bệnh viện vẫn đang hoàn thiện, triển khai để đáp ứng kịp theo tiến độ.
Theo Hội Tin học Y tế Việt Nam, việc triển khai kê đơn thuốc điện tử đã đề ra từ lâu nhưng hiện mới có khoảng 12.000/60.000 cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên kết nối đơn thuốc điện tử, chủ yếu là bệnh viện công lập; nhiều cơ sở tư nhân chưa thực hiện liên thông, nhiều nơi vẫn kê đơn giấy hoặc dùng phần mềm nhưng không chuẩn, không kết nối hệ thống…
Nhanh chóng triển khai
Hiện hệ thống đơn thuốc quốc gia đã được vận hành với việc tích hợp đầy đủ mã cơ sở y tế, mã bác sĩ, mã đơn thuốc; hướng tới mục tiêu mỗi năm có thể lưu trữ khoảng 600 triệu đơn thuốc, kết nối liên thông giữa cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở bán lẻ thuốc. Hệ thống đơn thuốc điện tử cũng sẽ là nền tảng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Theo lãnh đạo Hội Tin học Y tế Việt Nam, hiện các cơ sở bán lẻ thuốc đã có phần mềm quản lý nên sẽ không tốn kém chi phí hay mất thêm thời gian trong triển khai việc thực hiện đơn thuốc điện tử. Tuy nhiên, nhiều cơ sở, nhất là khối cơ sở khám, chữa bệnh vẫn chưa thực hiện đầy đủ là một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn chưa được triển khai rộng rãi khiến dễ xảy ra tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan cũng như việc mua - bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.
TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: Khi thực hiện theo quy định tại Thông tư, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát các loại thuốc theo đơn đã kê trong hệ thống một cách minh bạch. Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Bên cạnh đó, việc kết nối liên thông giữa Hệ thống kê đơn thuốc điện tử và Hệ thống Quản lý Dược quốc gia là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng thuốc. Khi tất cả đơn thuốc được cập nhật đồng bộ, cơ quan quản lý có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng thuốc, kê đơn sai quy định hoặc bán thuốc khi không có đơn.
Vừa qua, Thông tư 26 được ban hành, Bộ Y tế đã đặt ra “mốc” để triển khai đồng bộ, “thúc” các cơ sở y tế nhanh chóng thực hiện kê đơn thuốc điện tử.
Trước thực trạng cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng, các cơ sở y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế có những hỗ trợ cụ thể trong việc tính chi phí đầu tư công nghệ thông tin, bệnh án điện tử vào cơ cấu viện phí; đẩy nhanh việc kết nối hệ thống bệnh viện với Hệ thống thông tin y tế quốc gia… để thuận tiện cho việc triển khai kê đơn thuốc điện tử trong thời gian tới.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc