6 tháng năm 2024, Bệnh viện Da liễu tỉnh khám dự phòng và khám điều trị phòng, chống bệnh phong - da liễu cho 197 nghìn lượt người.
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Nam Định là tỉnh tiêu biểu trong cả nước về triển khai Chương trình phòng, chống bệnh phong quốc gia. Trong đó, đã tổ chức khám điều tra cơ bản toàn dân để phát hiện bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh, quản lý được đầy đủ số bệnh nhân phong ở từng thôn xóm, từng xã; từ đó xây dựng kế hoạch quản lý và điều trị bệnh nhân phong tại nhà theo phác đồ đơn hóa trị liệu; lồng ghép công tác phòng, chống bệnh phong vào mạng lưới y tế cơ sở, quản lý sức khỏe toàn dân; điều trị bằng đa hóa trị liệu tại nhà cho bệnh nhân phong. Năm 1999, tỉnh Nam Định đã được Bộ Y tế kiểm tra công nhận đạt các tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong xếp loại xuất sắc (theo Quyết định số 1062/QĐ-BYT ngày 3/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Đến nay, bệnh phong ở tỉnh Nam Định từng bước được khống chế, tiến tới mục tiêu không còn bệnh phong.
Bác sĩ Hoàng Văn Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Da liễu tỉnh) cho biết: Bệnh phong hay còn gọi là bệnh Hansen, là căn bệnh do vi trùng Mycobacterium Leprae gây ra, khó lây lan, có thời gian ủ bệnh kéo dài. Bệnh phong có nhiều biểu hiện lâm sàng, trong đó có hai dạng thường gặp đó là dạng Tuberculoid (Phong củ) và dạng Lepromatous (Phong u). Người mắc bệnh phong không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như chân tay bị hủy hoại dần; hay thần kinh ngoại vi bị tổn thương khiến chân tay không cử động được, cứng lại, co quắp; bàn chân bị thủng loét và nhiễm độc; giác mạc bị tổn thương, mờ đục, áp nhãn tăng cao, mắt khô, dẫn đến khiếm thị, mù lòa; gây vô sinh ở nam; rụng lông mày, lông mi. Bệnh phong không phải là bệnh di truyền, không gây chết người, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng tàn tật nghiêm trọng.
Toàn tỉnh hiện đang quản lý 132 bệnh nhân phong, trong đó huyện Nam Trực có 38 bệnh nhân, huyện Ý Yên có 19 bệnh nhân, thành phố Nam Định có 24 bệnh nhân, huyện Vụ Bản có 11 bệnh nhân, huyện Trực Ninh có 9 bệnh nhân… Năm 2023 và 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh không phát hiện bệnh nhân mới. Huyện Hải Hậu có 9 người mắc bệnh phong, 3 năm qua, huyện không phát hiện thêm bệnh nhân mới. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lưu Thị Nghiêm, để thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh phong, năm 2023 UBND huyện đã ban hành Kế hoạch 28 về “Loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện Hải Hậu”. Năm 2024, huyện phấn đấu đạt 4 tiêu chí loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện theo quy định tại Thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 06/6/2013 của Bộ Y tế. Để đạt mục tiêu trên, huyện nâng cao vai trò phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong công tác phòng, chống bệnh phong. Kiện toàn, duy trì mạng lưới và đội ngũ làm công tác phòng, chống bệnh phong ở tuyến huyện, xã, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố; hạn chế tối đa việc xáo trộn cán bộ chuyên trách. Tăng cường công tác đào tạo mới, đào tạo lại cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã các kiến thức cơ bản về bệnh phong, công tác quản lý, giáo dục truyền thông phòng, chống bệnh phong tại địa phương. Tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống bệnh phong ở tuyến huyện và tuyến cơ sở, lồng ghép công tác phòng, chống bệnh phong vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Xã hội hóa công tác phòng, chống bệnh phong, tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức từ thiện và sự quan tâm của địa phương để đào tạo nghề, phát triển kinh tế giúp bệnh nhân phong nâng cao chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu tỉnh Nam Định cho biết: Kế hoạch 860/KH-SYT ngày 24/5/2023 của Sở Y tế về loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh đã đề ra mục tiêu 100% các huyện, thành phố đạt 4 tiêu chí loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện theo quy định tại Thông tư số 17/2013/TT-BYT của Bộ Y tế. Cụ thể: 100% các huyện, thành phố không có người bệnh phong mới trong 3 năm liên tục; 100% người bệnh phong khuyết tật tại các huyện, thành phố được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng; 100% người bệnh phong tại các huyện, thành phố được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong; 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng tại các huyện, thành phố có nhà ở. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định về thành lập Hội đồng kiểm tra loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh; xây dựng lộ trình triển khai kiểm tra, công nhận loại trừ bệnh phong tại các huyện, thành phố: Năm 2023, kiểm tra, công nhận thành phố Nam Định, huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng; năm 2024, kiểm tra, công nhận các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Vụ Bản; năm 2025, kiểm tra, công nhận các huyện Ý Yên, Giao Thủy, Trực Ninh.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình loại trừ bệnh phong, hàng năm Bệnh viện Da liễu tỉnh đều xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động phòng, chống bệnh phong - da liễu trên địa bàn toàn tỉnh. Rà soát và giao các chỉ tiêu chuyên môn cho tuyến dưới, đồng thời thường xuyên đôn đốc kiểm tra tuyến dưới thực hiện việc quản lý, giám sát, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân phong tại nhà. Mạng lưới phòng, chống bệnh phong - da liễu trên địa bàn tỉnh được duy trì, củng cố từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Hàng năm Bệnh viện Da liễu tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản trong khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh phong, cách thức tiến hành khám điều tra bệnh phong và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống bệnh phong - da liễu của 175 xã, phường, thị trấn tại 9 huyện, thành phố. Tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ da liễu của các trung tâm y tế huyện, thành phố tại bệnh viện theo Đề án 1816 do các giảng viên Bệnh viện Da liễu Trung ương giảng dạy. Bệnh viện phối hợp với các địa phương triển khai khám điều tra nhằm rà soát, phát hiện chủ động bệnh nhân phong mới. 6 tháng năm 2024, Bệnh viện khám bệnh và khám dự phòng 197 nghìn lượt người liên quan đến công tác phòng chống bệnh phong - da liễu.
Với những nỗ lực trong loại trừ bệnh phong, năm 2023, Hội đồng kiểm tra loại trừ bệnh phong đã trình UBND tỉnh xét, công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện cho thành phố Nam Định, huyện Xuân Trường, huyện Nghĩa Hưng số điểm 290/290, xếp loại xuất sắc theo thang điểm theo 4 tiêu chí. Tháng 9/2024, Hội đồng kiểm tra loại trừ bệnh phong đã kiểm tra, trình UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện cho 3 huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Giao Thủy.
Với mục tiêu sớm loại trừ bệnh phong, ngành Y tế đang đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh phong. Tổ chức các lớp tập huấn về dịch tễ bệnh phong; kiến thức về bệnh, các biện pháp và kỹ thuật phòng, chống tàn tật do bệnh phong gây ra; tăng cường công tác khám, phát hiện người bệnh phong. Duy trì và phát triển mạng lưới và đội ngũ làm công tác phong ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã; lồng ghép công tác phòng, chống bệnh phong vào mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao chất lượng công tác quản lý bệnh nhân phong, phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng. Hướng dẫn bệnh nhân phong bị khuyết tật biết cách tự chăm sóc và được phục hồi chức năng. Hỗ trợ bệnh nhân phong, người tàn tật do bệnh phong có công việc ổn định, phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài và ảnh: Việt Thắng