Tiến tới xóa bỏ tài khoản ngân hàng không chính chủ

Tiến tới xóa bỏ tài khoản ngân hàng không chính chủ
4 giờ trướcBài gốc
Bảo vệ cả ngân hàng và khách hàng
Mới đây, ngân hàng SHB đã phát đi thông báo, thực hiện theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định về việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, từ ngày 01/01/2025, nhà băng này sẽ tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán, thẻ đối với những khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng.
Đồng thời, khách hàng cũng sẽ chỉ thực hiện được giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán và thẻ khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng căn cước công dân gắn chip/thẻ căn cước và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản, chủ thẻ với dữ liệu sinh trắc học được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.
Người dân sẽ không thể thực hiện các giao dịch điện tử nếu chưa bổ sung thông tin sinh trắc học theo yêu cầu
Theo đó, đây là một bước nâng cao so với quy định bắt buộc phải bổ sung thông tin sinh trắc học khi chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/lần, 20 triệu đồng/ngày hoặc thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng theo Quyết định 2345 của NHNN có hiệu lực từ 01/7/2024 vừa qua. Thông tư mới này cũng nhằm ngăn chặn tối đa hành vi sử dụng giấy tờ giả và loại bỏ các tài khoản không chính chủ, giúp giảm thiểu nguy cơ bị truy cập trái phép.
“Những quy định mới về việc thực hiện sinh trắc học là một trong những phương thức hiệu quả trong việc tăng cường bảo mật, bảo vệ người dùng, cũng như giúp cả ngân hàng và khách hàng yên tâm giao dịch tài chính đúng người, tránh rủi ro cho cả hai bên”, đại diện SHB nhấn mạnh.
Không chỉ SHB, vừa qua, một loạt nhà băng như Nam A Bank, VPBank, TPBank… cũng đã thông tin tới khách hàng về việc cập nhật giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học. Techcombank vừa thông báo sẽ tạm ngừng giao dịch đối với các tài khoản không chính chủ từ ngày 1/1/2025, nhằm tuân thủ Thông tư 17 của NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Khách hàng sẽ không thể thực hiện các giao dịch điện tử nếu chưa bổ sung thông tin sinh trắc học theo yêu cầu. Techcombank khuyến nghị người dùng nhanh chóng cập nhật thông tin qua thẻ căn cước công dân gắn chip trên ứng dụng Techcombank Mobile hoặc trực tiếp tại các chi nhánh ngân hàng.
Tại Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đề nghị các lãnh đạo ngân hàng đẩy nhanh việc cập nhật dữ liệu thông tin trên các tài khoản ngân hàng. Theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng lấy đích ngày 1/1/2025, hoàn toàn đảm bảo dữ liệu tài khoản của ngân hàng phải là dữ liệu sống. Dữ liệu này đối chiếu đầy đủ với căn cước công dân gắn chip. Điều này giúp loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo. Nếu tài khoản không xác thực sẽ bị dừng giao dịch. Những tài khoản chưa thu thập thông tin sinh trắc học chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy.
Theo các chuyên gia, thực tế trong thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến liên quan đến tài khoản ngân hàng đều liên quan đến tài khoản “ảo”, tài khoản không chính chủ khiến việc truy vết, điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Quy định mới này nhằm xóa bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ và tăng cường mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Số vụ lừa đảo trực tuyến giảm đáng kể
Trước đó, từ cuối năm 2023, NHNN đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN. Theo quy định tại quyết định này, từ ngày 1/7/2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp. Đối với những khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất, cũng bắt buộc phải xác thực lại dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.
Theo NHNN, mục đích ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Sau hơn 3 tháng triển khai, Quyết định 2345 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công và số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8-9/2024.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo mật hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính một cách an toàn, hiệu quả.
Quỳnh Trang
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tien-toi-xoa-bo-tai-khoan-ngan-hang-khong-chinh-chu-157027.html