Tiền truyện 'Vua sư tử' gây hụt hẫng

Tiền truyện 'Vua sư tử' gây hụt hẫng
5 giờ trướcBài gốc
Với kinh phí lên đến 200 triệu USD, Mufasa: Vua sư tử (Tựa quốc tế:Mufasa: The Lion King) là một trong những bom tấn khép lại năm 2024. Dự án đóng vai trò tiền truyện của siêu phẩm hoạt hình nổi tiếng Vua sư tử (2019) do hãng Disney sản xuất.
Phần trước từng nhận nhiều đánh giá không tốt nhưng vẫn gây sốt với doanh thu hơn 1,6 tỷ USD toàn cầu. Do đó, các nhà sản xuất không ngần ngại đổ tiền thực hiện các dự án tiếp theo, hứa hẹn mở rộng “vũ trụ” Vua sư tử để đáp ứng tình cảm của khán giả.
Đáng tiếc, Mufasa: Vua sư tử chưa được lòng giới phê bình. Phim bị chê vì cốt truyện thiếu sáng tạo, không có sự đổi mới đáng kể so với phiên bản gốc. Đạo diễn cũng chưa khéo léo trong việc khai thác các nhân vật để dẫn dắt cảm xúc của người xem.
Cốt truyện thiếu đột phá
Như nhan đề, phim khai thác cuộc đời của Mufasa - vị vua huyền thoại của xứ Pride Lands, cũng là cha của sư tử Simba nổi tiếng.
Chuyện phim bắt đầu ngay sau các sự kiện của Vua sư tử. Trong lúc trông nom con của Simba, khỉ Rafiki quyết định kể lại câu chuyện về ông nội chúng là Mufasa.
Tiền truyện khai thác số phận của vua sư tử Mufasa.
Sau khi mất cha mẹ trong một tai nạn, Mufasa (Aaron Pierre) trở thành chú sư tử mồ côi non nớt. Cậu được nhận nuôi và sống chung nhà với Taka (Kelvin Harrison Jr.). Theo thời gian, hai anh em sư tử bắt đầu đi theo hướng riêng. Mufasa trở thành vị vua được muôn loài kính trọng. Trái lại, Take đổi tên thành Scar – nhân vật phản diện đáng ghét nhưng số phận cũng đầy bi kịch.
Phim còn kể về tình bạn và tình yêu của Mufasa, cách anh cùng Sarabi (Tiffany Boone) xây dựng gia đình rồi sinh ra con trai Simba.
Ý tưởng của Mufasa: Vua sư tử không mới, đi theo mô-típ “từ bạn thành thù” quen thuộc. Song, kịch bản chưa khai thác tốt mối quan hệ giữa Mufasa và Taka.
Đổi lại, biên kịch dành nhiều thời gian để giải thích những chi tiết nhỏ nhặt khác. Đơn cử, Mufasa gặp Sarabi khi nào, khỉ Rafiki có cây gậy từ đâu hay chim hồng hạc Zazu trở thành cánh tay đắc lực của Mufasa ra sao.
Những chi tiết này không quan trọng, chủ yếu để chiều lòng người hâm mộ phần trước. Chúng không đóng góp nhiều vào cốt truyện chính, đôi lúc khiến câu chuyện trở nên dàn trải, thiếu điểm nhấn.
Cầm trịch dự án là đạo diễn Barry Jenkins (2016) - từng thắng Oscar với Moonlight. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của anh sau sáu năm vắng bóng màn ảnh rộng kể từ If Beale Street Could Talk (2018).
Có lẽ đạo diễn chưa thể vượt qua áp lực lớn khi xử lý một câu chuyện mang tính biểu tượng như Vua sư tử.
Một vài hình ảnh trong phim.
Đôi lúc, mạch phim bị đẩy quá nhanh với nhiều nhân vật bị quên lãng. Như sư tử Sarabi là một nhân vật khá thú vị cũng không được phát triển đủ sâu. Cách Taka “lật mặt” từ một người được yêu thương thành nhân vật phản diện cũng gấp gáp, thiếu thuyết phục.
Chính phần kịch bản thiếu đột phá khiến câu chuyện của Mufasa trên màn ảnh rộng còn hời hợt, không hấp dẫn bằng số phận của con trai Simba. Ngay cả các diễn viên Aaron Pierre (vai Mufasa) và Kelvin Harrison Jr. (Taka) đều có màn trình diễn tốt nhưng cũng không thể tỏa sáng trong một kịch bản nhiều hạn chế.
Hình ảnh, âm nhạc không cứu nổi nội dung
Phần hình ảnh của Mufasa: Vua sư tử thực sự là một điểm sáng đáng khen ngợi. So với dự án Vua sư tử năm 2019, phim có phần vượt trội về khâu kỹ xảo vi tính.
Với công nghệ CGI tiên tiến, từng khung hình trong phim được xử lý tỉ mỉ đến từng chi tiết. Từ sợi lông, ánh mắt của sư tử hay cách gió lướt qua đồng cỏ đều được thể hiện rất tinh tế, mang đến hình ảnh chân thực và hoành tráng về thiên nhiên châu Phi.
Biểu cảm của nhân vật cũng tốt hơn, thể hiện rõ sự vui, buồn hay sợ hãi. Màu sắc sống động và chuyển động khung hình mượt mà giúp câu chuyện trở nên gần gũi hơn.
Khâu âm nhạc do nhạc sĩ Lin-Manuel Miranda đảm nhận. Anh là người đã từng làm nên thành công của nhiều dự án phim nổi tiếng như In the Heights, Moana, Encanto... Anh dẫn dắt phần nhạc nền và các bài hát chủ đạo, góp phần mang lại cảm xúc và tăng tính giải trí cho phim.
Hình ảnh trong phim đẹp khó chê.
Đáng tiếc, phần âm thanh và hình ảnh cũng không đủ sức để cứu nội dung, khiến Mufasa: Vua sư tử không nhận được phản hồi tích cực từ giới chuyên môn khi ra mắt. Phim bị xếp loại “Thối” trên Rotten Tomatoes với 56% bình chọn từ các nhà phê bình. Phần lớn đánh giá cao hình ảnh, âm nhạc nhưng lại chê nội dung.
Cây viết Nicholas Barber của BBC chấm phim 2/5 sao, đánh giá sự ra đời của tác phẩm “vô nghĩa” và đây là “một sản phẩm thương mại gượng ép”. Tờ LA Times có nhận định tương tự, cho rằng ê-kíp đang “cạn kiệt ý tưởng”, phim chỉ được làm để hãng Disney kiếm thêm nhiều tiền.
Nhìn chung, Mufasa: Vua sư tử là một dự án đầy tham vọng khi muốn khai thác thế giới rộng lớn của Simba. Song, cốt truyện đơn giản và cách phát triển nhân vật chưa đủ chiều sâu đã tạo nên một bộ phim đẹp nhưng hời hợt.
Minh Nhật
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tien-truyen-vua-su-tu-gay-hut-hang-post1702756.tpo