Các nhà đầu tư trở nên thận trọng khi VN-Index rung lắc. Ảnh: Phương Lâm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua phiên giao dịch giằng co căng thẳng quanh tham chiếu trong ngày 23/5. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư đã trở nên thận trọng, qua đó kéo thanh khoản trên cả 3 sàn xuống còn 18.600 tỷ đồng, tức giảm gần 10.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua.
VN-Index hôm nay mở cửa thuận lợi nhưng sớm bị đẩy xuống dưới tham chiếu. Phải nhờ đến sự nỗ lực của một số cổ phiếu trụ, chỉ số chính mới có thể đóng cửa trong sắc xanh.
Kết phiên, VN-Index tăng 0,62 điểm (+0,1%) lên 1.314,46 điểm; HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,2%) xuống 216,32 điểm; UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,1%).
Thị trường ghi nhận diễn biến tương đối cân bằng với 423 mã tăng (gồm 49 tăng trần), 783 mã giữ tham chiếu và 406 mã giảm (gồm 35 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu VN30 đóng góp 15 mã tăng, 12 mã giảm và 3 mã đứng giá. Chỉ số đại diện rổ vì thế chỉ giảm không đáng kể, giữ ở mốc 1.409 điểm.
Động lực đưa VN-Index đóng cửa trong sắc xanh chủ yếu đến từ các mã quen thuộc như GAS (+3,3%), VHM (+1%), GEE (tăng trần), VIC (+0,5%), GEX (+5,3%), STB (+1,7%), ACB (+1,2%), HAG (+4,9%), VRE (+1,2%) và VNM (+0,6%).
Bên cạnh các cổ phiếu trên, thị trường cũng chứng kiến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu xuất nhập khẩu, tiêu biểu có AGF (+4,4%), SGC (+1,4%), HFX (+12,8%) và SSN, QBS tăng trần.
Chỉ số VN-Index vẫn giữ trên mốc 1.300 điểm. Ảnh: Tradingview.
Các cổ phiếu dược phẩm cũng được giao dịch khởi sắc hôm nay, tiêu biểu là IMP của Imexpharm với mức tăng 2,8%. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh doanh nghiệp vừa đón cổ đông lớn mới là Livzon Pharmaceutical Group (Trung Quốc).
Công ty con gián tiếp của Livzon đã ký thỏa thuận với các cổ đông hiện hữu của Imexpharm để mua tổng cộng 99,8 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 64,81% vốn doanh nghiệp. Trong số này, 73,4 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của SK Investment, 15 triệu cổ phiếu đến từ CTCP Đầu tư Bình Minh Kim và 11,3 triệu cổ phiếu do CTCP Đầu tư KBA nắm giữ.
Tổng giá trị thương vụ vào khoảng 5.730 tỷ đồng, tương ứng với mức giá bình quân 57.400 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Imexpharm được định giá khoảng 8.800 tỷ đồng, tương đương hơn 338 triệu USD.
Chiều ngược lại, cổ phiếu VPL tiếp tục dẫn đầu nhóm điều chỉnh cùng TCB (-1,2%), VPB (-1,1%), MSN (-1,3%), BID (-0,4%), BCM (-1,5%), VCB (-0,2%), VGC (-3,2%), POW (-1,8%) và PLX (-1,3%).
Đến nay, cổ phiếu VPL của Vinpearl đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp với tổng mức giảm 9,5%. Dẫu vậy, so với giá tham chiếu khi lên sàn, thị giá VPL vẫn đang cao hơn gần 27%.
Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu “họ Vin” khác là VIC, VHM và VRE đang dần lấy lại sự ổn định với biên độ tăng tích cực. Với 4 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đang điều hành hệ sinh thái doanh nghiệp vốn hóa hơn 863.500 tỷ đồng.
Khối ngoại hôm nay cũng tích cực rót vốn vào VIC (+61 tỷ đồng) và VHM (+68 tỷ đồng). Ngoài ra, danh mục mua vào còn có những cái tên như GEX (+79 tỷ đồng), STB (+61 tỷ đồng).
Trong khi đó, dòng tiền ngoại đang thoái khỏi FPT (-126 tỷ đồng), MSN (-108 tỷ đồng) và MWG (-88 tỷ đồng).
Minh Khánh