Tiền vào chứng khoán 'nhỏ giọt', cổ phiếu Vĩnh Hoàn đón tin vui

Tiền vào chứng khoán 'nhỏ giọt', cổ phiếu Vĩnh Hoàn đón tin vui
6 giờ trướcBài gốc
Các cổ phiếu chủ yếu biến động trong biên độ hẹp.
Kết phiên 20/1, VN-Index đứng ở mốc 1.249,55 điểm, tăng 0,44 điểm so với đóng cửa phiên cuối tuần trước. HNX-Index giảm 0,79 điểm còn UPCoM giảm 0,31 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh chỉ đạt hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm hơn 1.800 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, với giá trị bán ròng gần 250 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán ròng mạnh là VCB 116 tỷ đồng; VNM, FRT, KDC trên 30 tỷ đồng; MSN, CTG, VPB, STB 20-30 tỷ đồng… Chiều ngược lại, HDB được mua ròng mạnh nhất 114 tỷ đồng, kế đến là FPT 75 tỷ đồng, HPG 21 tỷ đồng; TPB, VIX hơn 10 tỷ đồng…
Trong tuần trước, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp với tổng khối lượng 117,05 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị gần 4.700 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần về lượng và gần 3,5 lần về giá trị so với tuần trước đó. Trong đó, VIC dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh nhất với phiên bán ròng đột biến ngày 16/1, giá trị hơn 2.000 tỷ đồng; tiếp đến là FPT với giá trị đạt hơn 783 tỷ đồng.
VN30 diễn biến tích cực hơn và là trụ đỡ để thị trường không “sụt chân”. Chỉ số này tăng 3,5 điểm lên mốc 1.316,95 điểm, với sự đóng góp của các mã ngân hàng: HDB +2,2%, MBB +1,6%, TPB +1,6%, VIB +1,3%, BID +1%... Ngoài ra còn có GAS +1,4%, SAB +1,3%; ACB, CTG, FPT, SSB, STB, VRE tăng nhẹ. Chiều giảm đáng kể có POW -1,3%, còn lại chỉ giảm nhẹ. BVH, SHB, TCB đứng tham chiếu.
Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng có diễn biến tích cực hơn. Ngoài các mã bluechip như kể trên thì trong nhóm còn có PGB +2%, VAB +1,1%. Chiều giảm có BAB, KLB, LPB, OCB, VCB, VPB, với mức giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán ghi nhận VDS của Chứng khoán Rồng Việt giảm sâu gần 4%, sau khi công ty báo lỗ trong quý 4/2024. HAC cũng giảm mạnh 7,7%, ngoài ra còn có APS, AAS, BVS, DSE, MBS, PSI, SHS, VND, VFS giảm hơn 1%. Chiều tăng có APG +3,5%, EVS +1,8%, ORS +1,1%; TVS, VIX tăng nhẹ.
Nhóm bất động sản cũng nhiều mã giảm hơn chiều tăng. NVL lại giảm sâu 2,5% sau vài phiên phục hồi, lùi về giá 9.050 đồng/cp. Giảm đáng kể còn có CEO -2,4%, TCH -1,4%, NTL -1,8%, TIG -1,5%, HPX -1,7%, SJS -5,4%, KBC -1%... VHM, DXG, PDR, VIC, AGG, KHG, BCM, NLG, DTD… giảm nhẹ. DIG đứng tham chiếu. Chiều tăng có VRE, VPI, KDH, SZC, SIP, IDC, CDC, NTC… nhưng mức tăng không đáng kể.
Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý có VHC của Vĩnh Hoàn, tăng 4,5% lên giá 70.100 đồng/cp. Cổ phiếu đầu ngành thủy sản thu hút dòng tiền sau thông tin tích cực về việc Hoa Kỳ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá cá tra, cá ba sa với Vĩnh Hoàn.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 17/1 vừa qua, Bộ Công Thương được ủy quyền của Chính phủ đã ký Thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá phi-lê từ Việt Nam. Theo thỏa thuận, CTCP Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế theo quy định của Hoa Kỳ, đồng thời được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu cá tra, cá basa vào Hoa Kỳ.
Phạm Ngọc
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/tien-vao-chung-khoan-nho-giot-co-phieu-vinh-hoan-don-tin-vui-37687.html