Tiếng Anh qua sân khấu

Tiếng Anh qua sân khấu
6 giờ trướcBài gốc
Hội thi Sân khấu hóa các câu chuyện văn học dân gian bằng tiếng Anh cấp tiểu học được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức lần thứ 3, năm học 2024 - 2025 với mong muốn tạo cơ hội cho các em học sinh cấp tiểu học có môi trường giao lưu, học hỏi và trau dồi Ngoại ngữ. Qua hình thức sân khấu hóa các câu chuyện, qua cách diễn xuất và trình bày, các em thể hiện cho người xem năng khiếu của bản thân, kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ tiếng Anh, có hiểu biết hơn về ý nghĩa của từng câu chuyện và vận dụng vào cuộc sống hàng ngày, giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp.
Hội thi năm nay có 22 tiết mục, với 349 thí sinh tham gia, (1 học sinh lớp 2; 24 học sinh lớp 3; 64 học sinh lớp 4 và 260 học sinh lớp 5). Tiết mục có nhiều nhân vật nhất là 33 em và ít nhất là 7 em. Hầu hết các tiết mục dự thi đều được tuyển chọn qua các hội thi được tổ chức từ cấp trường, cấp huyện. Có 10 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thi vòng huyện và 1 huyện tuyển chọn tiết mục dự thi từ các trường nổi trội về giảng dạy tiếng Anh trên địa bàn.
Trao giải nhất Hội thi
“Đến với hội thi, phần lớn các câu chuyện văn học dân gian được các cơ sở giáo dục lựa chọn từ danh mục sách giáo khoa, sách tham khảo của các nhà xuất bản trong và ngoài nước phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các câu chuyện được trình bày bằng tiếng Anh có minh họa là hoạt động giới thiệu lại câu chuyện bằng lời nói, âm thanh, nghệ thuật sân khấu bao gồm: Trang phục, âm nhạc và các đạo cụ minh họa để giúp các em phát triển khả năng nghe, nói, tăng cường kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng kể chuyện bằng tiếng Anh theo hình thức sân khấu hóa. Qua kịch bản hội thoại giữa các nhân vật, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng ban tổ chức hội thi chia sẻ.
Theo ban giám khảo, về năng lực ngôn ngữ, mỗi vai diễn phát âm rõ, ngữ pháp chính xác, dùng từ chính xác, ngôn ngữ đồng bộ với cử chỉ, nét mặt, kết hợp ca khúc, lời nhạc, lời thoại logic… Về ngữ điệu dẫn chuyện, thể hiện giọng nói rõ ràng, dễ hiểu, lưu loát, truyền cảm thu hút người nghe, ngữ điệu phù hợp ngừng nghỉ đúng, nhấn nhá đúng trọng tâm, có xúc cảm. “Nội dung tiểu phẩm phù hợp yêu cầu của ban tổ chức. Mỗi tiểu phẩm đều nêu được ý nghĩa giáo dục, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đạo cụ, trang phục, khả năng diễn xuất tự nhiên, nhập vai hài hòa, phù hợp với các tiểu phẩm…” - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) Võ Văn Quới, Trưởng ban giám khảo hội thi cho hay.
Năm học 2024 - 2025, An Giang có 100% trường tiểu học dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần, hơn 50% lớp 1, lớp 2 học tiếng Anh tự chọn 2 tiết/tuần. Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 - 5 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu cơ bản giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh. Rất cần bước chuyển biến về phương pháp, chất lượng dạy và học, đặc biệt ở cấp tiểu học, cấp học bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp.
Kết thúc hội thi, Trường Tiểu học Bán trú “A” Long Thạnh (TX. Tân Châu) và Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP. Long Xuyên) đồng giải nhất. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 5 giải nhì, 15 giải ba và 12 giải về: Hóa trang nhân vật ấn tượng nhất, năng lực ngôn ngữ tiếng Anh tốt nhất và diễn xuất ấn tượng nhất.
PHƯƠNG LAN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/tieng-anh-qua-san-khau-a413095.html