Tiếng chiêng trở giấc

Tiếng chiêng trở giấc
16 giờ trướcBài gốc
Tiếng chiêng - tiếng lòng người Mạ.
Thò bàn tay rắn chắc như đồng vào bên trong chiếc bao bố, già K’Têu lôi ra bộ chiêng 6 (bộ chiêng có 6 chiếc chiêng), chỉ tay lần lượt từng chiếc một, giải thích: “Đây là cing me. Kia là cing r’sùng, cing diên, cing thòng, cing thờ. Cuối cùng là cing tễ. Tiếng cing me thì trầm. Tiếng cing tễ thì thanh. Cing là tiếng nói của Yàng, lời của thần linh”. Nhìn đôi bàn tay gân guốc của già K’Têu mân mê bộ chiêng 6 - vật thiêng của dân bon - vừa lôi ra từ trong chiếc bao bố mà lòng buồn se sắt. Tiếng cồng chiêng bao đời ru vỗ hồn người Tây Nguyên, nói thay tiếng lòng người Tây Nguyên là đây sao? Tiếng chiêng cồng từng mê hoặc các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian là đây sao?
Chừng như thấy được sự xa xót hiện lên nơi đáy mắt tôi, già K’Têu phân trần: “Tao cũng nhớ tiếng cing lắm!”. Nhìn vào mắt già K’Têu, tôi thấy ánh lên một hoài niệm xa xăm, một nỗi niềm sâu kín. Trước kia, cồng chiêng luôn được người của Mạ K’Têu xem như báu vật và bao giờ cũng đặt chúng ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà dài. Trước khi mang cồng chiêng ra sử dụng trong các nghi lễ vòng đời (đời người, đời cây...), chủ nhà bao giờ cũng phải tiến hành nghi lễ xin phép thần chiêng. Cồng chiêng chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của tín ngưỡng đa thần, chỉ sử dụng một khi đã được thần chiêng đồng ý. Tín lý ấy là nếp sinh hoạt cộng sinh, đã ôm trọn vòng đời người bản địa Tây Nguyên, ôm trọn cái đẹp hòa hợp, vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên, giữa sự ngưỡng vọng, tri ân của con người với thần linh, giữa con người với con người.
Nhưng...
Thời thế đổi khác, một ngày kia, dân bon bỗng nhận ra rừng đã không còn nhiều như trước để lang thang, rằng hoa cà-phê đã nở trắng trời chứ không còn là hoa của cây lúa đồi thức ngủ cùng mưa nắng, rằng nền văn minh thảo mộc gắn với cây lúa đồi thuần hậu đã được thay thế bằng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với đại diện là cây cà-phê thương mại. Phương thức sản xuất thay đổi, kéo theo hình thái kinh tế thay đổi, đi kèm với đó là những biến đổi trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của cư dân bản địa Tây Nguyên. Không gian rừng, không gian nhà dài, không gian lễ nghi nông nghiệp...- những không gian thiêng trong tín lý của các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên - nơi ngự của các Yàng, ngày càng bị thu hẹp. Tiếng chiêng cũng theo đó mà trở nên thưa vắng. Thậm chí, một số bon còn bán cả cồng chiêng để lấy tiền tiêu xài.
Thế nên, đằng đẵng bao mùa qua, bao tháng qua, bao năm qua, già K’Têu vẫn đắng đau một nỗi niềm, liệu mai này có ai người còn nhớ tiếng chiêng, giữ tiếng chiêng, nhịp chiêng để nó ngân rung, vang vọng giữa đại ngàn Tây Nguyên(?!). Bộ chiêng 6 - vật thiêng của cả bon B’Kẻh - đành ngậm ngùi im tiếng trong chiếc bao bố.
Tiếng chiêng bất ngờ trở giấc khi Giáo xứ Minh Rồng đứng ra thành lập 2 đội chiêng, gồm 1 đội nam và 1 đội nữ, mỗi đội chiêng 6 người. Bấy giờ người Mạ ở bon B’Kẻh mới được nghe lại tiếng chiêng. Những nhịp chiêng 6 chậm rãi mà phóng túng, thư thả mà oai hùng, kiêu hãnh hòa cùng những thanh âm thánh ca phương Tây. Tiếng chiêng 6 những ngày mùa nghe tưng bừng, rộn rã. Tiếng chiêng 6 những đêm trăng nghe tha thiết, yêu tin. Tiếng chiêng 6 tĩnh trầm và oai dũng như những bước chân tự do của người Mạ. Âm thanh cồng chiêng là tiếng lòng người Mạ, lời ông bà hiển linh, lời rừng thiêng nhiệm màu: “Ta về đây đầy đủ các già làng/ Ta kể lại nơi đây những câu chuyện ngày xưa/ Chuyện trong rẫy, chuyện trong rừng, chuyện ở dưới chân rẫy - nơi chúng mình đã đi qua/ Hỡi con ơi!/ Cháu ơi!/ Nhớ đánh chiêng, đánh cồng, đánh cho thật đều, nhịp nhàng nhé!...”.
Âm thanh cồng chiêng cứ thế ru đêm đại ngàn, ru hồn người Mạ bềnh bồng. Dồn tất cả đam mê vào chiếc chiêng, 6 người con của mẹ núi ở bon B’Kẻh lại tiếp tục cất lời chiêng, hát về giấc mơ phiêu lãng đời mình: “Ai kon sõ jòi blơn leh/ Ai kon sơh jòi prên leh/ Kơnơm rơ hền lòt jòi leh/ Pi sa iar lot tă leh/ Miu sa kòn lot tă leh/ Pă rơnai sơlạ leh” (Tạm dịch: Em ơi! Khi con ve sầu kêu là mùa làm cỏ/ Hãy mang cái gùi đi tìm trái cà/ Đừng để con chồn ăn con gà/ Phơi lúa đừng để mưa ướt). Đó là nội dung của bài chiêng Jê léh jê lơn. Bài chiêng hàm ý giáo dục, nhắc nhở những cô gái người Mạ mùa dọn cỏ lúa đã bắt đầu. Jê léh jê lơn có kỹ thuật đánh đảo chiêng rất tinh tế.
Trăng đại ngàn đã sáng bồn chồn ở ngoài rừng từ lâu, tôi đành tạm biệt những đứa con của mẹ núi nơi bon B’Kẻh để về lại phường phố. Ngàn mắt lá vẫn thầm thĩ lời huyền mật. Trên đường đêm tĩnh lặng, tôi nghe tiếng chiêng lại vang lên đâu đó, nhưng nó không còn lạc lõng, bơ vơ, không còn ray rứt, xót đau về một ngày mai vô định nữa. Tiếng chiêng giờ đây đã cháy bừng đam si.
TRỊNH CHU
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/tieng-chieng-tro-giac-post308007.html