Tiếng khèn trên đỉnh mây ngàn

Tiếng khèn trên đỉnh mây ngàn
14 giờ trướcBài gốc
Không ánh đèn sân khấu, chẳng cần đến danh xưng nghệ sĩ, họ bền bỉ nuôi dưỡng bản sắc bằng đôi tay chai sạn và trái tim nặng tình với bản làng. Không chỉ chế tác hay biểu diễn, họ đang lưu giữ những thanh âm cuối cùng của văn hóa bản địa chênh vênh giữa làn ranh mai một và hồi sinh.
Nghệ nhân Hà Văn Tình giới thiệu về cây khèn bè. Ảnh: THANH TÙNG - TRẦN LÊ
Từ bản Bàn vọng tiếng khèn xưa
Với đồng bào Thái, khèn bè không đơn thuần là một nhạc cụ. Đó là biểu tượng của văn hóa, là tiếng lòng và là “linh hồn” trong đời sống tâm linh hay sinh hoạt cộng đồng.
Chiếc khèn có mặt trong lễ hội, ngày cưới, lễ tết, những đêm trăng hò hẹn, vang lên từ lòng núi, vọng xuống từng mái nhà, gắn với mọi cung bậc cảm xúc của đời người...
Chúng tôi đến bản Bàn vào một ngày cuối tuần. Trên con đường dốc quanh co, từng vạt nắng chiếu xiên qua rặng sa mu, gió mang theo mùi cỏ cây ngai ngái khiến lòng người dịu lại.
Nhà nghệ nhân Hà Văn Tình, người đàn ông tuổi lục tuần tại bản Bàn, xã Quang Chiểu, nép mình bên triền núi, đơn sơ mà ấm áp. Trong gian nhà chính, ba chiếc khèn bè được treo ở vị trí trang trọng nhất. Thấy khách đến tìm hiểu về khèn, ông bỏ dở việc bào lưỡi khèn, hồ hởi tiếp chuyện.
“Tôi sinh ra trong tiếng khèn, lớn lên cùng tiếng khèn. Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi dịp lễ hội, tiếng khèn lại vang lên rộn ràng, len lỏi vào từng giấc ngủ của lũ trẻ chúng tôi. Lớn lên một chút, đi đâu, làm gì cũng nhớ tiếng khèn như nhớ quê, nhớ mẹ…”, ông kể, mắt ánh lên niềm xúc động.
"Ngày xưa, chàng trai Thái nào cũng phải biết thổi khèn. Nó là cách để chứng tỏ bản lĩnh, tài năng và cũng là cầu nối đưa người ta đến với tình yêu. Tôi và vợ cũng nên duyên từ tiếng khèn.Ngày đó, tôi đứng bên đầu bản, thổi khèn vào mỗi buổi chiều. Cô ấy, người con gái bản bên, nghe tiếng khèn thì lặng lẽ tìm đến. Cứ thế mà nên nghĩa vợ chồng”, ông Tình rủ rỉ.
Tình yêu với khèn bè không chỉ dừng lại ở việc thổi. Khi còn thanh niên, ông đã muốn tự tay làm ra cây khèn của riêng mình. Nhưng cái khó là cả bản không còn ai biết nghề.
Ông bèn nhờ người thân ở Sơn La mua về một chiếc khèn nguyên mẫu, tự tay tháo tung, mày mò nghiên cứu từng chi tiết. Suốt gần một tháng, ông hì hục thử nghiệm, căn chỉnh, ghép lại cho đúng âm thanh. Thành quả là một chiếc khèn bè hoàn chỉnh, cho ra âm thanh trong trẻo, vang xa.
Cũng từ đó, ông bắt đầu hành trình đi sưu tầm các điệu dân ca, dân vũ của người Thái để chuyển hóa vào tiếng khèn. Càng thổi càng say, càng tìm hiểu càng đắm chìm trong kho tàng văn hóa dân gian mênh mông của dân tộc.
Mỗi lần thổi, ông cảm thấy như đang đối thoại với quá khứ, như nghe tiếng vọng của tổ tiên qua từng lớp âm thanh.
Hành trình không mỏi
Chiếc khèn bè trông có vẻ mộc mạc, giản đơn nhưng cấu tạo lại khá phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo. Khèn được làm từ 14 ống nứa hoặc mạnh pao, một loài cây mọc trên núi cao, thân dài, bền và nhẹ.
Mỗi ống có độ dài khác nhau, chia thành 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ đặc biệt, khoét rỗng bên trong để tạo luồng hơi. Nhưng điểm tinh túy nhất chính là lưỡi khèn - phần quyết định âm thanh, được ông Tình chế tác từ bạc trắng hoặc đồng mỏng, chỉ cần lệch một chút là khèn không ra tiếng hoặc sai nhạc.
Vì nguyên liệu khan hiếm, nên mỗi lần làm khèn ông phải vào rừng cả tuần, trèo đèo lội suối mới tìm được cây đạt chuẩn. “Có hôm mưa lớn, trượt chân, tưởng không về được. Nhưng nghĩ đến tiếng khèn, tôi lại cố đi tiếp. Mỗi cây khèn làm mất 4-5 ngày. Nhưng để tiếng khèn có hồn, người làm phải đặt trái tim vào đó”, theo ông Tình.
Giờ đây, ông không chỉ làm khèn cho mình mà còn để tặng người muốn học. Gặp ai có lòng đam mê, ông sẵn sàng truyền dạy không công, miễn là người học thật tâm. Có lần, ông đến từng nhà vận động trai bản học thổi khèn, mang khèn đến tận tay họ.
“Tôi không muốn khèn bè chỉ còn trong sách vở. Nó phải sống giữa cộng đồng, phải vang lên trong lễ hội, cưới hỏi, trong những cuộc gặp gỡ của trai gái bản làng. Đó mới là cách giữ văn hóa bền lâu”, ông Tình tâm sự.
Nhiều năm qua, tiếng khèn đã theo ông đi khắp các sự kiện văn hóa ở địa phương. Ở đâu lễ hội là ông lại lội suối, vượt dốc mang tiếng khèn đến góp vui. Những đêm diễn ở nhà văn hóa, tiếng khèn bè của ông khi trầm khi bổng như kể chuyện tình xưa, như thủ thỉ về những ngày mùa, như khơi gợi ký ức trong lòng người nghe.
Thời gian gần đây, nhờ các chương trình bảo tồn văn hóa dân tộc, tiếng khèn bè đã được chú ý trở lại. Thanh Hóa mở các lớp truyền dạy khèn bè với sự tham gia của nghệ nhân như ông Tình.
Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng hỗ trợ truyền dạy, phục dựng nghi lễ, đưa tiếng khèn vào hoạt động giáo dục văn hóa cộng đồng.
Đó là những tín hiệu tích cực, nhưng theo ông Tình, gốc rễ bền vững nhất vẫn phải đến từ ý thức gìn giữ của chính người Thái.
Ông tâm niệm: “Một tiếng khèn có thể không thay đổi được gì, nhưng nhiều tiếng khèn vang cùng lúc sẽ tạo nên sức mạnh văn hóa. Văn hóa không chỉ để tự hào mà còn là cách để người Thái hôm nay biết mình là ai, từ đâu đến và nên sống thế nào”.
Trong buổi chiều ấy, giữa bảng lảng sương giăng, ông Tình thổi cho chúng tôi nghe một bản dân ca cổ. Tiếng khèn bè ngân nga, thăm thẳm như dòng chảy của văn hóa bản địa, vừa mềm mại vừa bền bỉ.
Tiếng khèn không chỉ kể lại chuyện tình yêu của đôi trai gái năm nào, mà còn kể câu chuyện của một người giữ lửa truyền thống, sống trọn vẹn và can trường giữa những đổi thay của thời đại.
Và chừng nào tiếng khèn ấy còn vang, chừng đó văn hóa Thái còn sống, không phải trên giấy, mà trong từng nhịp sống thật, giữa đại ngàn.
NGUYỄN LINH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/tieng-khen-tren-dinh-may-ngan-155234.html