Mới cách đây mấy ngày, mạng xã hội râm ran câu chuyện cô giáo một cơ sở mầm non ở Tp.Bắc Ninh kéo tay trẻ vào góc khuất camera, liên tục vung tay đánh trước mặt nhiều em nhỏ khác. Video này được phụ huynh chia sẻ trên trang cá nhân và sau vài tiếng nhận hơn 40.000 lượt bình luận và 10.000 lượt chia sẻ. Hầu hết các bình luận đều tỏ ra phẫn nộ trước hành vi của cô giáo trước một đứa trẻ ngây thơ.
Và trong xã hội hiện tại, chúng ta thi thoảng bắt gặp những trường hợp như thế này. Còn nhớ vào cuối năm 2017, những đoạn clip về cô giáo một cơ sở mầm non ở Tp.HCM được đăng tải đã gây chấn động dư luận khi ghi lại cảnh các bảo mẫu dùng tay, chân, thậm chí cả can nhựa, vá múc canh, chổi... để đánh đập, hành hạ các cháu nhỏ một cách tàn nhẫn trong giờ ăn, giờ ngủ. Hay việc cô giáo ở Hà Nam dùng dép đánh vào đầu trẻ. Rồi vụ bảo mẫu ở Đồng Nai bóp cổ, tát, dốc ngược đầu trẻ vào thùng nước... Bấy nhiêu vụ việc đó đã nói lên điều gì?
Trẻ mầm non là lứa tuổi non nớt, mỏng manh và hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc, yêu thương của người lớn. Các em cần một môi trường an toàn, ấm áp trong những bàn tay dịu dàng và kiên nhẫn của giáo viên nơi trường học. Đó là ngôi nhà thứ hai và các cô giáo là "mẹ hiền".
Thế nhưng, thực tế đau lòng lại cho thấy, ngay tại những "ngôi nhà thứ hai" ấy, nhiều đứa trẻ đã phải trải qua những giờ phút kinh hoàng, đối mặt với sự tàn nhẫn mà có lẽ cả đời các em cũng không thể nào quên. Những cái tát nảy lửa, những cú véo đau điếng, những lời mắng nhiếc thậm tệ, việc bị nhốt vào nhà vệ sinh tối tăm, bị ép ăn trong nước mắt, bị bỏ mặc khi khóc lóc,... tất cả những hành vi đó không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn để lại những vết sẹo tâm lý không thể xóa nhòa.
Ảnh minh họa.
Làm sao một đứa trẻ mới ba, bốn tuổi có thể hiểu được tại sao người cô mà em yêu quý, người mà cha mẹ dặn phải nghe lời, lại có thể đối xử với em tàn nhẫn đến vậy? Sự sợ hãi, hoang mang, mất niềm tin vào người lớn, vào thế giới xung quanh sẽ ăn sâu vào tiềm thức non nớt ấy. Những đứa trẻ từng bị bạo hành có thể trở nên nhút nhát, tự ti, lo âu, dễ bị kích động, hoặc ngược lại, trở nên hung hăng, có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực khi lớn lên. Chúng có thể gặp ác mộng, sợ hãi khi đến trường, sợ hãi tiếp xúc với người lạ. Hậu quả tâm lý này có thể kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách và tương lai của trẻ.
Khi một vụ bạo hành bị phanh phui, dư luận thường tập trung chỉ trích, lên án gay gắt người giáo viên, bảo mẫu trực tiếp gây ra hành vi đó. Điều này hoàn toàn xác đáng, bởi không có lý do gì có thể biện minh cho hành động tàn nhẫn với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc quy trách nhiệm cho cá nhân, chúng ta có thể bỏ lỡ những gốc rễ sâu xa hơn của vấn đề.
Thực tế cho thấy, công việc chăm sóc trẻ mầm non vô cùng vất vả và áp lực. Giáo viên phải đối mặt với sĩ số lớp đông, tiếng ồn, sự hiếu động và đôi khi là cả sự ngang bướng của trẻ. Nếu không được trang bị đầy đủ kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm một cách tích cực, cộng với áp lực từ công việc, gia đình, cuộc sống, một số người có thể không kiểm soát được hành vi của mình, trút giận lên những đứa trẻ yếu thế.
Lương và chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non, đặc biệt là ở khu vực ngoài công lập, thường chưa tương xứng với công sức và áp lực họ phải bỏ ra. Điều này có thể dẫn đến tâm lý chán nản, mệt mỏi, thiếu động lực và dễ nảy sinh tiêu cực. Môi trường làm việc thiếu sự hỗ trợ, đồng cảm từ đồng nghiệp và ban giám hiệu cũng là một yếu tố góp phần làm gia tăng căng thẳng.
Mặt khác cũng cần phải thấy rằng, hiện nay nhiều cơ sở mầm non, nhất là các nhóm trẻ gia đình, lớp trẻ tư thục tự phát, hoạt động thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Việc lắp đặt camera giám sát, dù đã được triển khai ở nhiều nơi, nhưng đôi khi vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do thiếu sự kiểm tra thường xuyên hoặc bị đối phó.
Nhưng một sự thật đáng buồn đó là đôi khi chính những đồng nghiệp chứng kiến hành vi bạo hành lại chọn cách im lặng vì sợ bị trù dập, sợ mất việc hoặc đơn giản là vì tâm lý "không phải việc của mình". Sự thờ ơ này vô tình đã dung túng cho cái ác, khiến những đứa trẻ tiếp tục phải chịu đựng đau đớn.
Bạo hành trẻ mầm non không phải là vấn đề của riêng ai, không phải chỉ là nỗi đau của những gia đình có con là nạn nhân. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn nữa công tác cấp phép, quản lý và giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, thậm chí rút giấy phép vĩnh viễn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi bạo hành nghiêm trọng. Đồng thời, cần xây dựng quy trình tuyển dụng chặt chẽ, yêu cầu bắt buộc về kiểm tra tâm lý, đạo đức bên cạnh năng lực chuyên môn. Cần có chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ, tạo môi trường làm việc tích cực để thu hút và giữ chân những giáo viên có tâm, có tài.
Về phía các cơ sở giáo dục mầm non và các giáo viên cũng cần nâng cao kỹ năng sư phạm, kỹ năng quản lý cảm xúc. Xây dựng quy tắc ứng xử rõ ràng, nghiêm cấm mọi hình thức bạo lực với trẻ. Phát huy hiệu quả của hệ thống camera giám sát, kết hợp với việc quan sát, lắng nghe ý kiến phản hồi từ phụ huynh và chính các giáo viên khác. Tạo dựng văn hóa làm việc tích cực, nơi mọi người dám lên tiếng tố cáo sai phạm mà không sợ bị trả thù.
Trách nhiệm này cũng cần đặt nặng lên vai phụ huynh. Đừng phó mặc hoàn toàn con em mình cho nhà trường. Hãy dành thời gian quan tâm, trò chuyện với con mỗi ngày, lắng nghe những gì con kể về trường lớp, về cô giáo, bạn bè. Chú ý đến những biểu hiện bất thường của con như sợ hãi, khóc lóc vô cớ, có vết bầm tím trên người, biếng ăn, mất ngủ... Chủ động giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên và nhà trường, tham gia các hoạt động của trường lớp để hiểu rõ hơn về môi trường học tập của con. Khi có nghi ngờ, hãy bình tĩnh tìm hiểu, thu thập bằng chứng và làm việc trực tiếp với nhà trường, thậm chí là cơ quan chức năng nếu cần thiết. Đừng im lặng vì sợ phiền phức hay sợ con bị trù dập.
Bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành là trách nhiệm thiêng liêng, là thước đo của một xã hội văn minh. Chỉ khi nào mỗi giáo viên mầm non thực sự coi trẻ như con em mình, mỗi phụ huynh thực sự là người bạn đồng hành tin cậy của con, mỗi cơ sở giáo dục thực sự là một pháo đài an toàn, và mỗi người dân không còn thờ ơ trước nỗi đau của trẻ, thì khi đó, những tiếng khóc tức tưởi vì bạo hành mới có thể chấm dứt, nhường chỗ cho tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên đúng nghĩa của tuổi thơ. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều tha thiết mong chờ.
* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!