Tiếng rao

Tiếng rao
2 ngày trướcBài gốc
Tiếng rao. Ảnh: AI.
Tiếng rao rơi trong phố, tiếng rao rơi vào đêm, là trăng suông, là sáng đèn, hay thăm thẳm vô tình thì vẫn cứ có chỗ cho người cần.
Tiếng rao, những tưởng theo gió bay lên giời khi mà mặt hàng ấy đã không còn bán rong nữa thế mà nó đã hằn in trong tâm khảm bao người. Để rồi, cha mẹ con cái, những người cùng thế hệ lại nói với nhau về tiếng rao.
Ở đâu có người, có làng, có phố là có tiếng rao bán hàng.
Xưa, chắc nhiều người còn nhớ câu đùa nựng rằng:
- Đem em bé đi đổi bún nào!
Chẳng là hồi ấy, chợ quê chưa bán bún nhiều như bây giờ mà người làm bún thường kixu kịt gánh bún đi các làng khác đổi bún lấy gạo. Tiếng rao: ‘’ Ai đổi bún đê’’ thường vang vọng khắp các ngõ làng. Nhà nào muốn đổi bún thì gọi ‘’ Bún ơi’’ là lập tức cô hàng bún gánh bún vào sân. Thường là 1 cân gạo sẽ đổi được 2 cân bún. Cùng với đó là hàng bánh đúc, bánh cuốn cũng lần lượt theo nhau cất tiếng rao. 1 cân gạo đổi được đến 3 cân bánh đúc, nhưng chỉ đổi được khoảng cân tư, đến cân rưỡi bánh cuốn.
Những người đi bán hàng rong này rất hiểu ‘’ đặc tính’’ của người làng, có những nhà họ thường gánh hàng vào tận sân chào mời, vì biết gia chủ hay muốn đổi món ăn. Khi thì bún riêu cua, riêu cá, lúc lại bánh cuốn ăn bữa sáng, bữa xế. Nhưng làng được mấy nhà khá giả như thế đâu, có những nhà có khi 1 năm chỉ đổi bún bánh đôi ba lần, vì họ tính ăn cơm mới chắc dạ, ăn bún bánh rất hao, lại còn tốn nước mắm và đường, dấm, chanh để pha chế cũng không phải sẵn. Những năm tháng khó khăn, cân đường là quý, đến người ốm mới được uống cốc nước đường, nước chanh giải nhiệt, thì 1 bữa ăn đổi món cũng không phải là dễ dàng.
Ngày ba tháng 8 tiếng thế lại nhiều tiếng rao hơn. Ông phó cối cũng chân đạp xe chầm chậm, miệng cất tiếng rao: Ai đóng cối đê! Nếu có nhà nào cối xay thóc hỏng thì ông được mời vào nhà đóng mới, hay gia cố cho gia chủ 1 cái cối xay, thỏa thuận xong có thể sẵn đồ nghề đèo sau xe đạp ông ngả ra bắt tay vào việc luôn. Thế là ông vừa có việc làm, được hưởng ăn uống tươm tất, được tiền cầm về, còn không có khi đạp rạc cẳng vài ngày mà lại chẳng được việc gì, đành về ăn cơm nhà và hôm sau đi làng khác cất tiếng rao.
Ông phó cối đi khuất có khi lại thấy ông bật bông với dụng cụ buộc sau đèo hàng xe đạp chỉnh tề cùng tiếng rao: Ai bật bông đê! Không khác gì ông phó cối, nhà nào có chăn bông cũ, xẹp lép, có tiền thì mời ông bật và chần lại, chứ phải nhà kinh tế khó khăn thì dù chăn cũ, thủng họ cũng tự chằng đụp lại chứ chưa thể gọi thợ bật lại. Thấy ông bật bông dừng lại nhà ai thỏa thuận bọn trẻ con thường bâu lấy xem đồ nghề của ông. Chúng thích sờ vào cái sợi dây căng như dây đàn kia, còn ông miệng nói chuyện với gia chủ nhưng mắt vẫn phải để ý bọn trẻ con không sợ chúng xúi nhau nghịch dại cắt dây bật bông thì nguy. Đã thế bọn trẻ con còn kháo nhau, cái chăn cũ ông mua được đèo đằng sau kia là chăn của người chết đấy, sợ lắm…
Đôi khi trong ngõ lại có ông mài dao tạt vào cua 1 vòng với tiếng rao’’ Ai mài dao kéo đê’’. Gặp khách thì có việc nếu không ông cũng đạp nhanh chân qua ngõ vì thường thì người quê hay tự mài dao vào viên đá mài hay miệng chum, việng vại cũng xong. Dao chặt nếu cần phải mang ra chợ phiên, thuê ông chuyên nghiệp mài chứ cánh mài rong này lại sợ làm’’ mất lưỡi’’ dao. Còn đánh chấu liềm thì cứ phải ông lò rèn ngoài chợ chứ cánh mài rong này cũng không được tin cậy.
Tiếng rao tầm trưa nghe buồn và não nề hơn có lẽ là của mấy chị thu mua phế liệu. Vào những ngày hè oi ả, tiếng rao mệt mỏi lẫn trong tiếng ve:
- Ai lông gà, lông vịt dép dựa( nhựa) hỏng bán đê! Hoặc ‘’ Ai dép cũ đổi dép mới đê’’…
Người lớn nghe tiếng rao này đến sốt ruột, nhưng với bọn trẻ con lại là niềm vui vì chúng sẽ bán được 1 bộ lông vịt lấy tiền, hay đổi mấy thứ linh tinh như thủy tinh, bao tải dứa, nhôm, đồng … lấy mấy cái kẹo kéo, mấy viên bi đất sơn màu sặc sỡ bóng nhẫy… Cả một bầu trời ký ức trong tiếng rao ấy làm sao có thể quên. Tiếng rao có khi rạc đi trong nắng nỏ mùa hè, bà đồng nát ấy đã phải rón rén xin nhà ông bà chủ gáo nước mưa uống cho đỡ khát.
Sau này có xe đạp cánh các bà, các chị đồng nát đỡ vất vả hơn nhiều, nhưng cũng không lâu sau đó chẳng ai còn ‘’ dép cũ đổi dép mới’’ và đổi đồng nát, nhôm nát lấy kẹo kéo nữa mà chỉ còn người đi mua đồng nát. Cũng từ đó cánh hàng bún, hàng bánh thì đã’’ định cư’’ ở các chợ luôn thành thử tiếng rao này đã thuộc về quá khứ. Mọi người đều mua bún chứ chẳng còn nghe thấy tiếng rao suốt những con ngõ’’ Ai đổi bún đê’’. Và rồi, người làng nghề bún đã có máy móc trợ giúp, 1 ngày mấy mẻ bún đi chợ sáng, chợ chiều, bún giao nhà hàng bán ngày, bán đêm, ai người còn gánh bún đi đổi lấy gạo về làm hàng nữa mà rao.
‘’ Ai mì nóng, bánh ngọt đê’’ là tiếng rao quen thuộc rất thị thành mà người quê không nghe thấy. Tiếng rao này suốt các con phố lớn và len lỏi vào các ngõ nhỏ từ rất lâu. Tiếng rao vọng lên những nhà tập thể, tiếng rao khiến của nhà mở lách cách và mùi bánh mì thơm lừng. Sang thì bánh mì chấm sữa, chấm đường, nếu không thì bánh mì xé miếng to, miếng nhỏ 1 thoáng cũng hết. Cùng với đó là tiếng rao ‘’ Ai bánh rán đê’’. Bánh rán mật, bánh rán đường, ngọt, giòn, dẻo, thơm, bùi đủ vị cả. Đám chị em tiết kiệm đến mấy thì vẫn gọi’’ Bánh rán ơi’’ mua đôi cái ăn lót dạ. Tất nhiên là người bán hàng có là chị trung niên khéo mồm rao, xởi lởi chuyện hay đứa trẻ nhếch nhác bươn trải sớm thì cũng biết giờ ăn quà của các chị các cô nên cứ không hẹn cũng đến rao cho bằng đáp lời mới thôi.
Đêm phố bao giờ cũng rộn ràng. Trong ánh đèn điện sáng là tiếng rao vang vọng:
- Ai mì nóng bánh ngọt đê.
- Ai xôi nóng bánh khúc đê
- Ai bánh bao nóng đê.
Tiếng rao quen thuộc vọng lên tận ngọn cổ thụ, tiếng rao nhắc đám trẻ mới lớn, đám sinh viên và những người ưa ăn đêm đáp lời. Tiếng rao cũng món ăn nóng sốt, đủ đạm và tinh bột cũng là thứ cứu cánh cho những người vừa quá chén bữa tối. Tiếng rao khiến những cô, những chị ăn kiêng bấm bụng tắt đèn đi ngủ để giữ eo. Tiếng giao được đáp lời trong niềm vui của người bán, trong câu chuyện nói vội của người mua với đứa trẻ đội thúng bánh mì trên đầu hay 1 chị trung niên trùm khăn kín mặt nói giọng địa phương. Rằng chị ấy lên đây bán hàng lấy tiền nuôi con ăn học, rằng bà ban ngày đi lau nhà thuê, tối bán bánh mì trong khu này kiếm thêm, rằng em quê xa bố em ốm phải thôi học lên đây bán hàng rong…
Những món ăn đêm nóng hổi và những câu chuyện thân phận, quá khứ, hiện tại cứ đan vào nhau, đi vào giấc ngủ. Kẻ nói ra, người suy ngẫm, kẻ vô tâm, người nặng lòng…
Và rồi, từ đâu phố dội lên: Ép plattich đây. Không phải rao mồm mà anh ấy đã có bình ắc quy, có băng ghi âm bật lên. Tiếng rao to rõ, rành mạch vang vang trên phố phường. Người cẩn thận gọi vào ép cả cuốn Album là vui rồi. Chủ và khách lật dở từng trang ký ức và câu chuyện cứ trải dài.
Không lâu sau đó, cánh Plattich dạt thì lại đến cánh ‘’Ép dẻo, ép dẻo đây’’, việc của khách hàng là đón nhận công nghệ mới mà thôi.
Và rồi, cũng từ đó ‘’ Bánh mì, bánh ngọt, bánh bao, bánh rán, xôi nóng, bánh khúc…’’ tất tật đều rao bằng băng có sẵn, được kích âm qua loa. Tiếng rao vang vọng hơn xưa nhiều…
Và tất nhiên làng thành phố, phố rộng và đông nghịt hơn nhiều, những xe đạp xe máy chở hàng với file ghi âm sẵn và loa kích âm mới đủ độ thắng tiếng ồn để tiếng rao lên tận tầng cao tít của chung cư, tiếng rao len vào tận những ngõ nhỏ sâu hun hút của làng xưa, phố cũ. Món hàng rong cũng phng phú hơn xưa nhiều, từ kẹo dồi, kẹo lạc, cho đến kẹo sìu châu, bỏng ngô, bánh quế rượu nếp, bánh đa kê… cùng những màn tuyn, áo may ô, điếu cầy, điếu bát, bình tông… cũng lên xe cùng tiếng rao giọng Nam, giọng Bắc vang vọng. Có những file ghi âm tiếng địa phương, hay phát âm ngọng người nghe thấy xuống mua còn trêu người bán hàng rồi cùn cười khúc khích. Xem ra làng và phố và các vùng miền gần nhau quá trong tiếng rao và món hàng góp mặt về phố thế này.
Vang vang trên phố còn có tiếng rao: Bàn là, quạt cháy, máy bơm, máy tính hỏng bán đê. Những thiết bị điện tử sau tiếng rao, tiếng gọi của gia chủ cũng được chằng buộc đem về nơi tập kết.
Và cánh có nghề mộc cũng không ngồi yên, ngoài cái biển ghi số điện thoai rõ to ghi sửa chữa đồ gỗ thì cũng góp vào phố 1 tiếng rao: Sửa chữa, đánh véc ni đồ gỗ đê.
Đôi khi phố cũng vẫn vang vang tiếng rao từ cái loa chuẩn: Bán con cóc là ruốc đây, hay: Ai thiến chó, mèo không?
Phố chật cứng, đường tắc đã là chuyện thường tình, nhưng hẳn là phố vẫn còn chỗ, dành chỗ cho những tiếng rao, bất kể ngày đêm, nắng mưa, nắng rát hay lanh giá.
Phố đã bao dung.
Nguyễn Minh Hoa
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tieng-rao-10302173.html