Du khách đến tham quan Khu di tích lịch sử Mường Phăng (xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Lệ Giang
Danh tướng "uốn nắn lại tình hình Đông Dương"
Ngày 19/5/1953, tướng Nava tới Việt Nam, báo chí phương Tây ca ngợi ông như một "danh tướng" có thể "uốn nắn lại tình hình Đông Dương", với tư cách Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Vị tướng lừng danh nước Pháp đã chấp nhận trận đánh với Việt Minh ở vùng Tây Bắc. Phải chăng Nava đã đi ngược lại chủ định của mình là duy trì thế phòng ngự chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ mùa khô 1953-1954?
Từ khi nhậm chức Tổng chỉ huy ở Đông Dương, Nava đã cố tránh vết xe đổ của nhiều người tiền nhiệm thụ động chỉ biết chạy theo những hoạt động của Việt Minh. Nava đã thực hiện mục tiêu số 1 của mình, mang lại tính chiến đấu và cơ động cao cho quân viễn chinh Pháp, vạch ra kế hoạch điều quân chủ lực lên Tây Bắc để “kéo” quân của Việt Minh lên đó đánh.
Ngày 15/12/1953, quân Pháp tiếp tục đổ xuống Điện Biên Phủ 11 tiểu đoàn. Tướng Nava có mặt tại Điện Biên Phủ và trao đổi với các sĩ quan chỉ huy đồn trú: "Tình hình địa hình, những đặc điểm về khí hậu của khu lòng chảo Điện Biên Phủ làm cho nó trở thành một vị trí dễ phòng ngự, một trong những sân bay tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt hảo. Trận đánh có thể được chúng ta chấp nhận tại đây trong những điều kiện hết sức thuận lợi"[1].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh đã điều động một số đơn vị đến Điện Biên Phủ, đánh quân Pháp vừa mới đổ bộ xuống khu vực này. Nếu quân địch bị uy hiếp mạnh hơn, chúng có thể tăng viện nhiều và biến thành một tập đoàn cứ điểm. Trong trường hợp này, chúng có thể lấy Điện Biên Phủ làm nơi thiết lập trận địa, căn bản sẽ có lợi cho ta.
Quân Pháp biết tin những đại đoàn quân chủ lực của ta đang vận động lên Tây Bắc, họ gấp rút lệnh cho Tiểu đoàn công binh số 31 sử dụng ghi sắt phủ toàn bộ 6.000m2 để thiết lập đường băng cho máy bay vận tải hạng nặng hạ cánh xuống Điện Biên Phủ. Người Pháp sử dụng máy bay vận chuyển ồ ạt pháo cỡ lớn, súng máy, xe tăng... xuống Điện Biên Phủ. Tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ De Castries còn ra lệnh cho tất cả các đơn vị phải củng cố công sự vững chắc chống được pháo 105 ly của đối phương. Nắp hầm làm 2 lớp gỗ dày, đổ phủ lên một mét đất đè chặt, bên trên có những bao tải đất để chống mảnh pháo bắn vào.
Chỉ huy tiểu đoàn công binh Pháp tính toán, xây dựng công trình phòng ngự cho 12 tiểu đoàn ở Điện Biên Phủ phải tiêu tốn 36.000 tấn vật liệu và nhiều máy xúc, máy ủi, thuốc nổ... đưa từ đồng bằng lên. Đồng thời, quân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với quy mô rộng lớn, nhiều trung tâm đề kháng ở Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm... Những đơn vị ưu tú nhất của đạo quân viễn chinh Pháp đều có mặt, sẵn sàng thực hiện những cuộc giao chiến lớn như tướng Nava mong muốn, là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, đè bẹp mọi kháng cự của Việt Minh.
Một viên đạn tiêu diệt một tên địch
Câu hỏi lớn đặt ra: "Quân ta sẽ làm gì để giành thắng lợi trên mặt trận chính Điện Biên Phủ?". Tổng quân Pháp có 12.000 người, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, nhiều tiểu đoàn lựu pháo, xe tăng, gần 20 chiếc máy bay trinh sát, ném bom, vận tải... Họ sẵn sàng điều quân ở đồng bằng tăng viện cho Điện Biên Phủ bằng đường không bất cứ lúc nào.
Có một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gặp báo cáo Bác Hồ về tình hình quân Pháp đang đổ quân lên Tây Bắc và một số chiến trường khác. Đại tướng kể lại: “... Mắt Bác Hồ chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay về một hướng”[2].
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ xét về địa thế quân sự không có đường rút lui khi bị tấn công mạnh, cùng một lúc đánh cho quân Pháp bị phân tán ra nhiều chỗ. Cuối tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch; đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng; đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp...
Trước ngày lên đường đi chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ và được trao quyền: “... Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau... Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[3].
Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bộ phận cơ quan chỉ huy chiến dịch lên đường đi Tây Bắc. Các đơn vị pháo binh của quân ta đã kéo pháo vào đến vị trí tác chiến, chờ lệnh khai hỏa dội lửa vào sân bay Mường Thanh và nhiều vị trí khác ở Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu kỹ tình hình tại chiến trường và đưa ra ba vấn đề lớn: Bộ đội chủ lực ta chưa đánh quân chủ lực nằm trong tập đoàn cứ điểm có công sự che chắn, chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng...
Ngày, giờ nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ấn định, cả dân tộc Việt Nam dồn hết sức lực vào trận đánh quyết định này. Nhưng Bộ Chỉ huy chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chưa nắm được nguyên tắc cao nhất của Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập họp Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lùi về địa điểm tập kết.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu các đơn vị chiến đấu “chỉnh quân” và hành động theo phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”. Để tạo điều kiện cho quân ta giành được những thắng lợi lớn hơn, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, Đại tướng kêu gọi, toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ bắn súng cối, các chiến sĩ pháo binh... hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua bắn tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ. Một viên đạn tiêu diệt một tên địch.
Ngày 7/5/1954, toàn bộ quân địch đã đầu hàng, ta bắt sống được tướng De Castries chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho ý chí kiên cường, nghệ thuật tác chiến quân sự của dân và quân ta, đánh bại đội quân viễn chinh nhà nghề Pháp. Có thể nói, "tiếng sấm" Điện Biên Phủ còn rền vang mãi mãi...
Lệ Giang
----------------------------------------------------------
[1], [2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, tr.75.
[3] Sách đã dẫn, tr.66.